Bị mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận như thế nào?
Mất Giấy chứng nhận không phải là trường hợp hiếm gặp, trong trường hợp này, người dân được phép xin cấp lại Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục xin cấp lại Giấy chứng nhận phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Vậy, thủ tục xin cấp lại Giấy chứng nhận khi bị mất thế nào?
Thủ tục xin cấp lại Giấy chứng nhận khi bị mất thế nào?
Điểm k khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013 nêu rõ, người sử dụng đất bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy chứng nhận) được đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại.
Theo đó, căn cứ Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thủ tục xin cấp lại Giấy chứng nhận khi bị mất như sau:
Bước 01: Khai báo về việc bị mất Giấy chứng nhận
– Người sử dụng đất trực tiếp hoặc làm đơn khai báo về việc mất Giấy chứng nhận tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.
– Khi tiếp nhận sự việc, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện niêm yết công khai thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, thời hạn niêm yết thông báo là 15 ngày.
Lưu ý:
– Nếu người sử dụng đất là tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì khi mất giấy chứng nhận, những người sử dụng đất này phải đăng tin mất Giấy chứng nhận trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
– Nếu người sử dụng đất thuộc đối tượng này thì có thể hỏi ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai … về các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương thực hiện đăng tin mất Giấy chứng nhận trước khi tiến hành đăng tin.
Bước 02: Chuẩn bị hồ sơ
Người sử dụng đất chuẩn bị hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận gồm các giấy tờ sau (căn cứ khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT):
– Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận;
– Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân (hoặc giấy tờ chứng minh đã thực hiện đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài,…)
– Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân còn thời hạn…
Bước 03: Nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận
Căn cứ Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người sử dụng đất có nhu cầu cấp lại Giấy chứng nhận có thể nộp hồ sơ theo một trong hai cách sau:
Cách 1: Nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có nhà đất nếu có nhu cầu.
Cách 2: Trường hợp không nộp tại UBND xã:
– Nếu địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại Bộ phận một cửa cấp huyện.
– Nếu địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với địa phương chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 04: Tiếp nhận hồ sơ và thực hiện các công việc:
– Kiểm tra hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận;
– Thực hiện trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính;
– Lập hồ sơ trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký quyết định hủy giấy chứng nhận bị mất và ký cấp lại giấy chứng nhận;
– Thực hiện chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định pháp luật;
– Trả kết quả cho người sử dụng đất.
Bước 05: Nhận kết quả
Thời gian cấp lại Giấy chứng nhận là bao lâu?
Theo quy định tại điểm q khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP:
“q) Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất là không quá 10 ngày;”.
Như vậy, trong trường hợp mất Giấy chứng nhận, thời gian cấp lại Giấy chứng nhận không quá 10 ngày.
Chi phí xin cấp lại Giấy chứng nhận
Theo Thông tư 85/2019/TT-BTC, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất.
Theo đó, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Căn cứ quy mô, diện tích của thửa đất và tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ, mục đích sử dụng đất và điều kiện cụ thể của địa phương để quy định mức thu phí cụ thể.