Hôn nhân và Gia đình, Luật sư và tư vấn viên, Tin tức

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHAI SINH CHO TRẺ EM SINH RA Ở NƯỚC NGOÀI

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHAI SINH CHO TRẺ EM SINH RA Ở NƯỚC NGOÀI

Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam thực hiện như thế nào?

Đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh có cha mẹ là công dân Việt Nam về cư trú tại Việt Nam được thực hiện ở đâu?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 35 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh như sau:

Thẩm quyền đăng ký khai sinh

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:

Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:

a) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;

b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.

Theo đó, trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam và có cha mẹ là công dân Việt Nam thì nơi thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.

Đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh (Hình từ Internet)

Người đăng ký khai sinh cho trẻ có cha mẹ là công dân Việt Nam được sinh ra ở nước ngoài và chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam cần chuẩn bị những giấy tờ gì?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định như sau:

Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài

1. Hồ sơ đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam hoặc cha và mẹ đều là công dân Việt Nam, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, về cư trú tại Việt Nam, được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây:

a) Giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp và cư trú tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP gồm: giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam (như: hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam.

b) Việc xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em khi đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam về quốc tịch.

Tại khoản 2 Điều 29 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định như sau:

Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài về cư trú tại Việt Nam

2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam và nộp các giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai theo mẫu quy định;

b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ – con nếu có;

c) Văn bản thỏa thuận của cha mẹ lựa chọn quốc tịch cho con theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là công dân nước ngoài.

Như vậy, người đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam, có cha mẹ là công dân Việt Nam phải xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam và nộp các giấy tờ sau đây:

– Tờ khai theo mẫu quy định;

– Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ – con nếu có;

– Giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp và cư trú tại Việt Nam gồm: giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam (như: hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam.

Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam thực hiện như thế nào?

Tại khoản 4 Điều 29 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định như sau:

Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài về cư trú tại Việt Nam

4. Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, Phòng Tư pháp kiểm tra hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác và đúng quy định pháp luật thì đăng ký theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Luật Hộ tịch. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 36 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký khai sinh như sau:

Thủ tục đăng ký khai sinh

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; trường hợp trẻ em có quốc tịch nước ngoài thì không ghi nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này.

Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

3. Chính phủ quy định thủ tục đăng ký khai sinh đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này.

Theo đó, ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, Phòng Tư pháp kiểm tra hồ sơ. Nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định vào Sổ hộ tịch.

Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

CẦN HỖ TRỢ LIÊN HỆ NGAY 1900.633.390

 

Đánh giá bài viết này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.