Tin tức

Kết hôn ở nước ngoài có ly hôn ở Việt nam được không ?

Kết hôn ở nước ngoài có ly hôn ở Việt nam được không ?

Về bản chất chúng ta có thể  hiểu việc đăng ký kết hôn ở nước ngoài và ly hôn tại Việt nam là ly hôn có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên sẽ có một số điều kiện đặc biệt với trường hợp nêu trên.

Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về các trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:

Ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;

Ly hôn giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam khi họ có yêu cầu;

Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

1.Khi nào được ly hôn tại Việt Nam khi đăng ký kết hôn ở nước ngoài

Việc kết hôn ở nước ngoài tại các cơ quan có thẩm quyền khi muốn ly hôn tại Việt Nam trước hết phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam Khi đó việc kết hôn mới được công nhận tại Việt Nam và mới có thể thực hiện thủ tục ly hôn tại Việt Nam. Căn cứ theo Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch có quy định làm rõ như sau:

Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. Nếu vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng vào thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào Sổ hộ tịch.

Như vậy, việc kêt hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, để được công nhận tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam. Nếu chưa thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam thì hôn nhân đó chưa được công nhân tại Việt Nam nên bạn không phải thực hiện thủ tục ly hôn tại Việt Nam.

2. Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài

Theo bộ luật dân sự 2015 quy định thẩm quyền giải quyết vụ việc này sẽ do Tòa án Nhân dân cấp Tỉnh giải quyết.

Thủ tục ly hôn khi đăng ký kết hôn ở nước ngoài

Ly hôn thuận tình

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn

Hồ sơ ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài được chuẩn bị theo danh mục gồm:

  • Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản gốc); Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại nước ngoài thì bạn cần phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn theo quy định rồi mới nộp đơn xin ly hôn.
  • Hộ chiếu/CMND/CCCD của hai bên (bản sao chứng thực).
  • Sổ tạm trú/Thẻ tạm trú của vợ chồng (bản sao chứng thực).
  • Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con).
  • Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung (nếu có tranh chấp tài sản).
  • Đơn đề nghị vắng mặt của người yêu cầu.(trường hợp đương sự vắng mặt).
  • Các giấy tờ trong hồ sơ ly hôn nếu được cơ quan nước ngoài cấp cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

Bước 2: Nộp hồ sơ ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài

Tòa án cấp tỉnh nơi bạn có hộ khẩu hoặc tạm trú tại Việt Nam có thẩm quyền giải quyết ly hôn cho bạn.

Bước 3: Tòa án thụ lý hồ sơ và giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn

Sau khi tiếp nhận hồ sơ; Tòa án xem xét về thẩm quyền và tính hợp lệ của hồ sơ ly hôn trong vòng 8 ngày làm việc. Nếu như hồ sơ hợp lệ; Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí/ lệ phí cho người yêu cầu với thời hạn đóng 05 ngày. Sau khi người yêu cầu ly hôn hoàn thành việc đóng phí theo thông báo; vụ việc ly hôn chính thức được Tòa án thụ lý và giải quyết theo quy định.

Bước 4: Tòa án mở phiên họp giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Thủ tục hòa giải tại Tòa án khi ly hôn tại Việt Nam là bắt buộc. Tuy nhiên, do có một hoặc cả hai không có mặt nên Toà án sẽ không tổ chức hòa giải.

Bước 5: Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn

Quyết định công nhận thuận tình ly hôn sẽ có hiệu lực ngay khi ban hành. Khi đó, vợ chồng không thể kháng cáo quyết định này đến Tòa án.

Ly hôn đơn phương

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ ly hôn

  • Để thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương cần chuẩn bị hồ sơ ly hôn gồm các giấy tờ:
  • Đơn khởi kiện ly hôn đơn phương.
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản gốc); Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại nước ngoài thì bạn cần phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn theo quy định rồi mới nộp đơn xin ly hôn.
  • Hộ chiếu/CMND/CCCD của hai bên (bản sao chứng thực).
  • Sổ tạm trú/Thẻ tạm trú của vợ chồng (bản sao chứng thực).
  • Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con).
  • Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung (nếu có tranh chấp tài sản).
  • Nộp hồ sơ đến Tòa án có thẩm quyền bằng các phương thức sau đây:
  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

Bước 2: Tòa án thụ lý và kiểm tra hồ sơ ly hôn

Nếu hồ sơ khởi kiện đầy đủ và vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người khởi kiện. Trường hợp hồ sơ ly hôn không đầy đủ hoặc cần sửa đổi bổ sung, Thẩm phán thông báo để người khởi kiện sửa đổi, bổ sung.

Bước 3: Nộp tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.

Theo Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định sau khi nhận được đơn xin ly hôn đơn phương, Thẩm phán sẽ thông báo cho người muốn ly hôn đơn phương đến Tòa để nộp tạm ứng án phí (nếu thuộc trường hợp phải nộp).

Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án sẽ thông báo bằng văn bản cho các bên việc Tòa án đã thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày làm việc. Trường hợp đương sự ở nước ngoài, Tòa án thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp thực hiện việc tống đạt văn bản.

Bước 4: Tòa án tiến hành hòa giải và giải quyết

Toà án tiến hành hòa giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án. Tòa án sẽ gửi thông báo về việc tiến hành hòa giải cho các bên. Trường hợp bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì căn cứ theo khoản 1 Điều 182 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 coi như vụ án ly hôn không tiến hành hòa giải được.

Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đây là vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài thì người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch.

Trường hợp hoà giải thành, Tòa án sẽ lập biên bản và ra quyết định công nhận sự hòa giải thành công của 02 vợ chồng và đình chỉ vụ án. Trường hợp hòa giải không thành thì tòa án sẽ ra quyết định mở phiên tòa xét xử theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Bước 5: Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn

Tòa án sẽ ra quyết định, bản án ly hôn có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn được tính từ khi đương sự nhận được bản án, quyết định. Trường hợp không đồng ý với bản án ly hôn, đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm theo quy định.

 

Đánh giá bài viết này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.