Để yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn cần làm thế nào?
Ngoài tranh chấp khi vợ, chồng tiến hành ly hôn, nhiều trường hợp, sau khi thực hiện xong thủ tục ly hôn, hai vợ chồng vẫn có tranh chấp về việc giành quyền nuôi con. Một trong số đó là vấn đề làm sao để yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau khi ly hôn?
Chọn người nuôi con sau khi ly hôn thế nào?
Sau khi ly hôn, con sẽ được giao cho một trong hai vợ, chồng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Và theo Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc nuôi dưỡng và cấp dưỡng con được quy định như sau:
– Vợ, chồng thỏa thuận người trực tiếp nuôi con; quyền, nghĩa vụ của mỗi bên với con sau khi ly hôn.
– Không thỏa thuận được, Tòa án giao con cho một bên căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
– Con từ đủ 07 tuổi trở lên, Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con.
– Con dưới 36 tháng giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác.
Như vậy, theo quy định này, khi cha mẹ ly hôn, Tòa án sẽ tôn trọng và công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về việc nuôi dưỡng con sau khi ly hôn. Nếu không thỏa thuận được, Tòa án sẽ căn cứ vào quyền và lợi ích tốt nhất của con để quyết định người được trực tiếp nuôi con.
Trường hợp bị hạn chế quyền thăm con sau ly hôn
Sau khi ly hôn, con sẽ được giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, người còn lại thì phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo thỏa thuận của cha, mẹ.
Đồng thời, Điều 82, Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ như sau:
– Người được giao trực tiếp nuôi con: Tạo điều kiện tốt nhất để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; tạo điều kiện và không được cản trở người kia thăm non, chăm sóc… con.
– Người không trực tiếp nuôi con: Có nghĩa vụ cấp dưỡng, được thăm con mà không ai được cản trở.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng nêu rõ: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
Theo quy định này, có thể thấy, có 02 trường hợp người không trực tiếp nuôi con bị hạn chế quyền thăm con sau khi ly hôn:
– Lạm dụng việc thăm con để cản trở việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người còn lại.
– Lạm dụng việc thăm con để gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người còn lại.
Trong hai trường hợp này, người được giao nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người còn lại.
Sau ly hôn, làm sao để hạn chế quyền thăm con đúng luật?
Như phân tích ở trên, nếu người không trực tiếp nuôi con có hành vi cản trở, gây ảnh hưởng xấu đến con sau khi ly hôn thông qua việc thăm con thì để hạn chế quyền thăm con đúng luật, người được giao nuôi con phải gửi yêu cầu đến Tòa án có thẩm quyền để hạn chế quyền thăm con của người này.
Tuyệt đối, người được giao nuôi con không được cấm đoán, gây trở ngại việc thăm con của người còn lại bởi nếu làm thế, người này có thể bị phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
Do đó, để hạn chế quyền thăm con một cách “đúng luật”, người trực tiếp nuôi con thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:
3.1 Nộp hồ sơ tại đâu?
Việc yêu cầu hạn chế quyền thăm con là một trong những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Theo đó, cha, mẹ có thể nộp đơn yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn của người con lại tại:
– Tòa án nơi cha/mẹ của con chưa thành niên cư trú (thường trú + tạm trú), làm việc theo điểm k khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
– Tòa án nơi người con cư trú (thường trú + tạm trú) theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Đồng thời, theo điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau khi ly hôn của cha hoặc mẹ.
Như vậy, người yêu cầu có thể nộp hồ sơ tại Tòa án cấp huyện – nơi người cha hoặc người mẹ hoặc người con chưa thành niên cư trú, làm việc.
3.2 Hồ sơ bao gồm những gì?
Để được Tòa án có thẩm quyền giải quyết, người có yêu cầu hạn chế quyền thăm con phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm:
– Đơn yêu cầu có nội dung chính gồm: Ngày, tháng, năm làm đơn; Tên Tòa án có thẩm quyền; Tên, địa chỉ, số điện thoại… của người yêu cầu, người liên quan; Trình bày cụ thể yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn của người kia cùng lý do, mục đích, căn cứ…
– Các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ kèm theo để chứng minh cho yêu cầu của mình.
– Quyết định/bản án ly hôn.
– Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn (bản sao).
3.3 Thời gian giải quyết khoảng bao lâu?
Căn cứ Điều 363 Bộ luật Tố tụng dân sự, thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu được thực hiện như sau:
– 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo: Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết. Nếu đơn chưa đầy đủ thì người yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung trong 07 ngày;
– 03 ngày làm việc làm việc kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Toàn án thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết.
– 01 tháng: Thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu.
– 15 ngày: Tòa án mở phiên họp để giải quyết việc dân sự.
Như vậy, thời gian giải quyết việc yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau khi ly hôn thường diễn ra khoảng 01-02 tháng. Tuy nhiên, thực tế, có thể có nhiều trường hợp, thời gian này sẽ kéo dài hơn.
3.4 Chi phí thực hiện là bao nhiêu?
Theo Phụ lục kèm Nghị quyết 326 năm 2016, lệ phí khi giải quyết yêu cầu hạn chế quyền thăm con tại phiên họp sơ thẩm là 300.000 đồng; phúc thẩm là 300.000 đồng.