ĐẤT CHO MƯỢN LÂU NĂM MÀ KHÔNG CÓ GIẤY TỜ CHO MƯỢN, ĐẾN KHI PHÁT SINH TRANH CHẤP CÓ QUYỀN ĐÒI LẠI HAY KHÔNG?
Các tranh chấp về quyền sử dụng đất hiện nay diễn ra tương đối phức tạp với vô số những dạng thức khác nhau. Trong đó, phần nhiều những tranh chấp xuất phát từ việc người sử dụng đất thường có xu hướng giao kết, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dựa trên sự tin tưởng nhiều hơn là các giấy tờ pháp lý, dẫn tới những hệ lụy khi phát sinh tranh chấp. Trường hợp người sử dụng đất cho mượn đất trong một khoảng thời gian dài mà không kèm theo bất kỳ giấy tờ nào ghi nhận về việc mượn đó là một trong những ví dụ điển hình của việc giao kết hợp đồng dựa vào “lòng tin” ở Việt Nam, vậy hệ lụy của nó là gì và liệu rằng có giải pháp nào để khắc phục tình trạng đó hay không? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
1. Tổng quan về quan hệ mượn tài sản có đối tượng là quyền sử dụng đất.
Quan hệ mượn tài sản có đối tượng là quyền sử dụng đất là một giao dịch dân sự, theo đó các bên thỏa thuận rằng bên cho mượn giao đất/tài sản trên đất cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Như vậy, trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến quan hệ mượn tài sản có thể nhận định đó là trường hợp hết thời hạn mượn nhưng vì một lý do nào đó mà bên mượn không trả lại quyền sử dụng đất lại cho bên cho mượn.
2. Các trường hợp có thể xảy ra khi người mượn không trả lại quyền sử dụng đất
Bởi các bên không có thỏa thuận cũng như các giấy tờ liên quan đến việc mượn quyền sử dụng đất, do đó có 02 khả năng có thể xảy ra:
Trường hợp 1: người mượn thuộc trường hợp chiếm hữu ngay tình đối với thửa đất đó
Căn cứ theo quy định tại Điều 180 Bộ luật dân sự 2015, chiếm hữu ngay tình là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 236 Bộ luật dân sự 2015, người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Như vậy, có thể kết luận trong trường hợp người mượn chiếm hữu đối với mảnh đất đó ngay tình, liên tục, công khai trong vòng 30 năm thì họ sẽ được công nhận là chủ sở hữu đối với mảnh đất đó.
Trường hợp 2: Người mượn không chứng minh được mình chiếm hữu ngay tình đối với mảnh đất đó.
Đồng thời, chủ sử dụng đất cũ cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh được nguồn gốc đất thuộc quyền sở hữu của mình thì có thể thực hiện việc hòa giải hoặc khởi kiện tại Tòa án.
Tranh chấp về đất cho mượn lâu năm không có giấy tờ là một vấn đề phức tạp, nơi pháp luật vừa bảo vệ quyền lợi của người cho mượn nhưng cũng tạo ra điều kiện cho người mượn có thể xác lập quyền sử dụng nếu sử dụng đất lâu dài, ổn định. Thiếu giấy tờ chứng minh giao dịch không chỉ khiến bên cho mượn khó đòi lại đất mà còn tạo điều kiện cho bên sử dụng đất lâu dài được bảo vệ bởi các quy định về chiếm hữu ngay tình. Do đó, việc lập giấy tờ pháp lý rõ ràng từ đầu là điều cần thiết để tránh rủi ro pháp lý và đảm bảo quyền lợi cho các bên trong quá trình sử dụng đất.
Trên đây là bài viết về ĐẤT CHO MƯỢN LÂU NĂM MÀ KHÔNG CÓ GIẤY TỜ CHO MƯỢN, ĐẾN KHI PHÁT SINH TRANH CHẤP CÓ QUYỀN ĐÒI LẠI HAY KHÔNG? Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!