Đất đai

TRƯỜNG HỢP NÀO MUA BÁN ĐẤT BẰNG GIẤY VIẾT TAY CÓ HIỆU LỰC?

Hiện nay,  “vẫn được mua bán đất bằng giấy viết tay”, nhưng việc mua bán đất bằng giấy viết tay chỉ có hiệu lực trong một số trường hợp và từng thời điểm nhất định. 

Vậy những trường hợp nào mua bán đất bằng giấy viết tay có hiệu lực? Luật Nguyên Phát sẽ giải đáp thắc mắc quý bạn đọc trong bài viết này.

1. Thế nào là mua bán đất bằng giấy viết tay?

Theo cách hiểu thông thường, giấy mua bán đất viết tay chỉ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bằng giấy tờ không có công chứng hoặc chứng thực.

Mọi người vẫn thường hiểu rằng giấy mua bán đất viết tay là một dạng hợp đồng mua bán nhà đất. Sau khi hai bên thống nhất trên cơ sở tự nguyên thuận mua vừa bán, hai bên sẽ ký với nhau một hợp đồng mua bán.

Một bản hợp đồng được viết theo hình thức là giấy mua bán nhà đất viết tay sẽ không có được sự công nhận của nhà nước và pháp luật mà chỉ có sự thoả thuận của các bên với nhau dành cho hoạt động mua bán này.

2. Những trường hợp mua bán bằng giấy viết tay vẫn có hiệu lực:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, khi chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp thực hiện giao dịch mua bán đất nhưng không cống chứng, chứng thực sẽ bị coi là giao dịch dân sự vô hiệu.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp giao dịch mua bán đất không có công chứng chứng thực (tức trường hợp mua bán đất bằng giấy viết tay) đều vô hiệu. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền như sau:

“1. Các trường hợp đang sử dụng đất sau đây mà chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì người đang sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo quy định của Luật đất đai và quy định tại Nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật:

a) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 01 năm 2008;

b) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và Điều 18 của Nghị định này”

Như vậy, trường hợp đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng trước ngày 01/7/2014 thì khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận lần đầu cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển nhượng nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Điều này có nghĩa, cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển nhượng nộp hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực. Khi đó, việc mua bán đất thông qua giấy tờ viết tay không làm ảnh hưởng đến giá trị hiệu lực của giao dịch này.

3. Làm Sổ đỏ cho đất mua bán bằng giấy viết tay có được không?

Căn cứ khoản 1 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, trường hợp đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng từ trước ngày 01/7/2014 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp có Giấy chứng nhận của bên chuyển nhượng hoặc hợp đồng, giấy tờ chuyển nhượng được công chứng hoặc chứng thực thì người đang sử dụng đất thực hiện thủ cấp Giấy chứng nhận lần đầu mà không phải làm thủ tục sang tên.

Theo đó, để được cấp Giấy chứng nhận thì người đang sử dụng đất phải có đủ điều kiện theo từng trường hợp đất có giấy tờ và đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

4. Những lưu ý quan trọng khi mua bán đất bằng giấy viết tay

Thứ nhất: Phải yêu cầu kiểm tra giấy tờ và thông tin, qua đó sẽ xác nhận được đất định mua có đủ điều kiện cấp sổ đỏ hay không? đồng thời cũng có thể biết được đó có phải đất thổ cư hợp pháp hay không? có thuộc diện đất lấn chiếm không? có nằm trong quy hoạch hay không?… Bên cạnh đó, cần kiểm tra giấy tờ tùy thân của bên bán. Nếu bên bán đã có vợ, có chồng thì hợp đồng mua bán phải có sự tham gia của cả hai.

Thứ hai: Hợp đồng mua bán nên cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên, đối tượng giao dịch, phương thức thanh toán, cam kết, phạt khi vi phạm hợp đồng, thời hạn thực hiện, người làm chứng. Hợp đồng không nên sửa chữa nếu có thì các bên cần các nhận việc sửa chữa và ký vào từng trang của hợp đồng, trang cuối ký và tự ghi họ tên đầy đủ. Đối với người không biết chữ, chữ ít thì cần thiết, điểm chỉ vào hợp đồng.

Thứ ba: Cần lập biên bản giao nhận tiền, biên bản giao nhận giấy tờ. Nội dung thể hiện cụ thể xem bên bán đã nhận đủ tiền và tự nguyện giao giấy tờ hay chưa? Hợp đồng mua bán nên mời hai người làm chứng và có thể yêu cầu bên bán điểm chỉ bằng ngón trỏ phải vào hợp đồng. Bên mua bên giữ toàn bộ giấy tờ liên quan đến nhà hoặc đất (giữ bản gốc nếu có). Sau đó, yêu cầu bên bán đưa bản sao giấy tờ nhân thân để làm tin và dễ liên lạc khi cần thiết.

Trên đây các quy định của pháp luật về các trường hợp mua bán đất bằng giấy viết tay có hiệu lực. Nếu có thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ HOTLINE: 1900 633 390  để được các chuyên gia pháp lý của Luật Nguyên Phát hỗ trợ giải đáp.

Đánh giá bài viết này!

Xem nhiều tuần qua

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.