Đất đai

KHÔNG LÀM NÔNG NGHIỆP CÓ ĐƯỢC THỪA KẾ ĐẤT NÔNG NGHIỆP KHÔNG?

Giống như các loại tài sản khác, đất nông nghiệp có thể được để lại thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật. Thực trạng thừa kế đất trồng lúa hiện nay khá phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên nhiều người cũng băn khoăn liệu có thể thừa kế đất nông nghiệp khi không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Vậy thừa kế đất nông nghiệp là gì và pháp luật hiện nay quy định những vấn đề liên quan đến thừa kế đất nông nghiệp như thế nào. Hãy cùng Luật Nguyên phát tìm hiểu vấn đề này.

I. Đất nông nghiệp có được thừa kế không?

Điểm đ Khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013 quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp như sau:

“1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:


… đ) Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.


Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.”

Như vậy, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

II. Việc chia di sản thừa kế được pháp luật quy định như thế nào?

Thừa kế đất nông nghiệp có thể tiến hành dưới hai hình thức là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

– Đối với thừa kế theo di chúc thì việc chia thừa kế đối với phần đất nông nghiệp sẽ được thực hiện theo di chúc.

– Đối với thừa kế theo pháp luật thì việc chia di sản thừa kế sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật tại BLDS 2015

Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật. Theo đó, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

III. Người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có được nhận quyền thừa kế đất trồng lúa không?

Theo Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

Đồng thời theo khoản 3 điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Như vậy, theo quy định trên, không có trường hợp quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được thừa kế quyền sử dụng đất trồng lúa mà chỉ quy định không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Do đó, người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được quyền hưởng thừa kế đất trồng lúa. 

Trên đây là thông tin của Luật Nguyên Phát về thừa kế đất nông nghiệp. Nếu quý bạn đọc cần hỗ trợ tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua hotline 1900.633.390 để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, nhanh chóng nhất.

 

5/5 - (1 vote)

Xem nhiều tuần qua

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.