Doanh nghiệp

GIẤY PHÉP CON LÀ GÌ? CÁC LOẠI GIẤY PHÉP CON HIỆN NAY?

Giấy phép con là một loại giấy tờ pháp lý bạn buộc phải có khi kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vậy pháp luật quy định như thế nào về loại giấy tờ này? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật NP để hiểu rõ hơn nhé.  

I. Giấy phép con là gì?

Theo quy định của pháp luật, đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì bắt buộc doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì mới được hoạt động kinh doanh ngành nghề đó. Để hợp pháp hóa các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy phép chứng nhận doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để kinh doanh ngành nghề đó – thường gọi chung là giấy phép con.

Như vậy, giấy phép con được hiểu là giấy tờ pháp lý cấp cho cá nhân, tổ chức để chứng nhận họ đủ điều kiện kinh doanh một, một số ngành, nghề có điều kiện. 

Lưu ý: Giấy phép con có tính chất tương tự như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng có nhiều đặc điểm khác, cụ thể:

– Là văn bản được cấp cho các doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề có điều kiện và thường được cấp sau Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Điều kiện được cấp giấy phép con là đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với mỗi ngành, nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật (Vốn pháp định, cơ sở vật chất, chứng chỉ hành nghề…);

– Thường có thời hạn sử dụng cụ thể. Khi hết thời hạn thì cơ sở phải xin gia hạn giấy phép con hoặc xin cấp mới nếu muốn tiếp tục kinh doanh ngành nghề đó.

II. Hình thức Giấy phép con

Theo khoản 6 Điều 7 Luật Đầu tư 2020, giấy phép con sẽ được cấp dưới các hình thức sau:

– Giấy phép;

– Giấy chứng nhận;

– Chứng chỉ;

– Văn bản xác nhận, chấp thuận;

– Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

III. Khi nào thì phải xin giấy phép con?

Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. 

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.

Như vậy, cá nhân, tổ chức (hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã) khi đăng ký kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đều phải xin giấy phép con của ngành, nghề đó. Trường hợp giấy phép hết hạn sử dụng thì phải tiến hành gia hạn hoặc cấp mới giấy phép con.

Ví dụ: Khi bạn kinh doanh nhà hàng, quán ăn, quán cà phê bắt buộc phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do sở y tế cấp. 

Nếu cá nhân, tổ chức kinh doanh những ngành, nghề khác ngoài các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì không cần phải xin giấy phép con.

Lưu ý: Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được liệt kê cụ thể tại phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020. 

IV. Các loại giấy phép con hiện nay

Điều kiện về kinh doanh ngành nghề sẽ được quy định chi tiết trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành. Tùy thuộc mỗi ngành nghề kinh doanh, pháp luật sẽ quy định một loại giấy phép con riêng. Một số loại giấy phép con phổ biến hiện nay gồm:

STT Tên Giấy phép Ngành nghề sử dụng Cơ quan cấp
1 Giấy phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ (tin học) Hoạt động trung tâm ngoại ngữ (tin học) Sở Giáo dục và đào tạo
2 Giấy phép bán lẻ rượu Kinh doanh rượu Uỷ ban nhân dân cấp huyện
3 Giấy phép bán buôn rượu Kinh doanh rượu Sở Công Thương
4 Giấy phép phân phối rượu Kinh doanh rượu Bộ Công Thương
5 Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ Kinh doanh rượu Uỷ ban nhân dân cấp huyện
6 Đăng ký Công bố lưu hành sản phẩm Sản xuất mỹ phẩm Sở y tế
7 Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm Kinh doanh nhà hàng, quán ăn, quán cà phê Sở Y Tế
8 Đăng ký Công bố lưu hành sản phẩm Sản xuất mỹ phẩm Sở y tế
9 Giấy phép bưu chính Bưu chính Sở Thông tin và truyền thông/Bộ Thông tin và truyền thông
10 Giấy phép hoạt động ngành in Dịch vụ in ấn Sở Thông tin và Truyền thông
11 Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế Sở Du lịch
12 Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh hóa chất Kinh doanh hóa chất Sở Công thương
13 Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô Kinh doanh vận tải bằng ô tô Sở Giao Thông Vận tải
14 Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài Kinh doanh dịch vụ xuất khẩu Lao động Bộ Lao động Thương binh và Xã hội 
15 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao Kinh doanh hoạt động thể thao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
16 Giấy phép sản xuất thuốc thú y Sản xuất thuốc thú y Cục thú y
17 Quyết định cho phép thành lập trường Trường mầm non Sở giáo dục

Cơ sở pháp lý

– Luật doanh nghiệp năm 2020;

– Luật đầu tư năm 2020.

Trên đây là hướng dẫn của chúng tôi về nội dung giấy phép con cùng các thông tin liên quan. Nếu có thắc mắc liên quan vấn đề giấy phép con, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline: 0975290453 – 0364310003 để được các chuyên gia pháp lý của Luật NP hỗ trợ giải đáp.

 

Đánh giá bài viết này!

Xem nhiều tuần qua

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.