XÚI GIỤC NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI CÓ THỂ TRỞ THÀNH ĐỒNG PHẠM VÀ BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ HAY KHÔNG
Trong thời đại số, mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Bên cạnh những lợi ích, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có việc xúi giục người khác thực hiện hành vi phạm tội. Những lời nói kích động, những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội có thể tác động mạnh mẽ đến tâm lý của người khác, khiến họ đưa ra những quyết định sai lầm. Vậy, người xúi giục có phải chịu trách nhiệm pháp lý khi hành vi của họ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng? Bài viết này sẽ đi sâu phân tích vấn đề này, nhằm làm rõ trách nhiệm hình sự của người xúi giục trong các vụ án.
Thế nào được coi là hành vi xúi giục người khác phạm tội?
Xúi giục là xui và thúc đẩy người khác làm điều sai trái, với ý đồ xấu. Xúi giục là Hành vi kích động bằng lời nói, cử chỉ, vật chất hoặc bằng bất cứ thủ đoạn nào nhằm làm cho người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc phạm tội. Xúi giục người chưa thành niên phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Xúi giục người khác phạm tội bị coi là kẻ đồng phạm tội và bị xử lý theo pháp luật hình sự. Khác với những hành vi khác tác động qua cử chỉ, lời nói để mong muốn người khác làm một việc gì đó, thì xúi giục thường với ý đồ xấu. Tuy nhiên cần xem xét hành vi xúi giục đó, trên thực tế không phải hành vi nào cũng có thể trở thành xúi giục.
Xúi giục có phải đồng phạm hay không?
Theo quy định của pháp luật thì xúi giục cũng là một loại đồng phạm được quy định tại điều 17 BLHS:
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
- Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
- Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
- Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
- Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Tội phạm trên thực tế có thể do một cá nhân thực hiện có thể do nhiều người thực hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiều người cùng thực hiện tội phạm thì mức độ tham gia, đóng góp vào việc phạm tội và hậu quả của tội phạm xảy ra, nói cách khác tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của từng hành vi của từng người không giống nhau từ đó theo nguyên tắc công bằng trách nhiệm hình sự của những người cùng thực hiện tội phạm đó không thể như nhau. Vấn đề trách nhiệm hình sự của những người cùng thực hiện tội phạm sẽ được giải quyết trong chế định đồng phạm được quy định tại Điều luật này. Để xác định đồng phạm, cần dựa vào các dấu hiệu khách quan và chủ quan của nó
Mặt khách quan của đồng phạm: Về số lượng người tham gia phải là 2 người trở lên nhưng phải đảm bảo điều kiện có ít nhất hai người có năng lực trách nhiệm hình sự đủ độ tuổi chịu trách nhiệm luật định. Không thể có đồng phạm nếu có hai người nhưng một người đủ tuổi một người chưa hoặc một người có năng lực trách nhiệm hình sự và người kia mắc bệnh tâm thần, bệnh nhận thức không nhận thức và điều khiển hành vi của mình
– Hai hay nhiều người cùng thực hiện tội cùng thực hiện một tội phạm phải đảm bảo có sự liên kết về khách quan giữa các hành vi của mỗi người trong đồng phạm.
Được coi là giữa những người trong đồng phạm cùng tham gia thực hiện một tội phạm là mỗi người tham gia vào đồng phạm phải có ít nhất một trong bốn loại hành vi đối với việc thực hiện một tội phạm, đó là: hành vi thực hành, hành vi tổ chức, hành vi xúi giục, hành vi giúp sức.
Trên thực tế trong trường hợp đồng phạm, một người có thể tham gia vào vụ án đồng phạm khi thực hiện cả 4 hành vi nói trên, có người chỉ tham gia thực hiện một hành. Có người tham gia toàn bộ quá trình thực hiện tội phạm có người chỉ tham gia vào một giai đoạn nào đấy. Trong vụ án đồng phạm có thể có đủ 4 loại người đồng phạm có thể chỉ có 1 loại người đồng phạm (đây là trường hợp đồng phạm đơn giản khi tất cả những người đồng phạm đều là người thực hiện tội phạm, không có những người đồng phạm khác).
Giữa các hành vi của mỗi người trong đồng phạm có mối liên kết thống nhất với nhau, hành vi của người này quyết định hành vi của người khác và hành vi của mỗi người là điều kiện hỗ trợ cho hoạt động chung. Nói cách khác các hành vi của những người đồng phạm phải nằm trong thể thống nhất. Nếu các hành vi thực hiện riêng rẽ, Ví dụ: đánh hôi người trộm cắp, hôi của của người bị tan nạn giao thông thì không được coi là đồng phạm cho dù có nhiều người tham gia.
Trong các hành vi trong đồng phạm thì hành vi của người thực hành là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hậu quả còn các loại hành vi khác thông qua hành vi người thực hành mà gây ra hậu quả.
Mặt chủ quan của đồng phạm có nghĩa là những người trong đồng phạm phải cùng cố ý, tức là phải có sự liên kết về mặt chủ quan giữa những người trong đồng phạm. Đồng phạm chỉ có thể đặt ra với các tội thực hiện với hình thức lỗi cố ý (có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp). Cùng cố ý được xem xét dưới hai khía cạnh lý trí và ý chí. Thể hiện:
– Cùng lý trí có nghĩa là mỗi người trong đồng phạm đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình. Mỗi người trong đồng phạm phải thấy trước hậu quả của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện.
– Cùng ý chí có nghĩa là giữa những người đồng phạm cùng mong muốn có sự liên kết của các hành vi và giữa những người đồng phạm cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả chung phát sinh.
Với các tội có dấu hiệu mục đích là bắt buộc thì giữa những người đồng phạm đòi hỏi phải có cùng mục đích hoặc biết rõ và tiếp nhận mục đích đó.
Về giai đoạn phạm tội thì đồng phạm có thể xảy ra ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt tội phạm hoàn thành và chưa kết thúc. Nếu tội phạm kết thúc, tức là tội phạm dừng lại hoàn toàn trên thực tế thì sẽ không có đồng phạm mà có thể cấu thành tội độc lập khác.
Người xúi giục: là người dụ dỗ, kích động, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người xúi giục nguy hiểm ở chỗ họ tác động vào tư tưởng người khác làm hình thành ý định phạm tội trong đầu người khác trong khi nếu không có sự xúi giục thì họ không ý định phạm tội. Người xúi giục chỉ xuất hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tôi chưa đạt. Khi tội phạm đã hoàn thành chưa kết thúc thì việc xúi giục không còn ý nghĩa nữa.
Người xúi giục có 2 đặc điểm sau: Tác động đến tư tưởng người khác bằng thủ đoạn kích động, dụ dỗ thúc đẩy khiến người này hình thành ý định phạm tội. Hành vi xúi giục phải nhằm vào một, một số người cụ thể và phải nhằm gây ra việc thực hiện một tội phạm nhất định.
Như vậy hành vi xúi giục người khác theo quy định của pháp luật cũng sẽ được coi là một loại đồng phạm, tuy nhiên cần phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể để có thể đánh giá đúng đắn, tránh việc vu oan cho người khác cũng như bỏ lỡ tội phạm. Chính vì thế việc hiểu và nắm rõ các quy định là rất cần thiết.
Nếu quý độc giả đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!