Viết về tội giết người.
1. Khái niệm Tội giết người
Trên cơ sở quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015, chúng tôi rút ra khái niệm Tội giết người như sau: Tội giết người là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện.
2. Dấu hiệu pháp lý
a, Khách thể
Khách thể của Tội giết người là quan hệ nhân thân mà nội dung của nó là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.
Tội giết người xâm phạm quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người thông qua sự tác động làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động – con người đang sống. Việc xác định đúng đối tượng tác động của Tội giết người có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, nếu hành vi nào đó tác động vào đối tượng không phải hay chưa phải là con người thì không xâm phạm đến quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, vì vậy, hành vi đó không phạm tội giết người.
b, Mặt khách quan
Hành vi khách quan
Hành vi khách quan của Tội giết người có thể được thực hiện qua hành động hoặc không hành động. Hành động phạm tội giết người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm – quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, qua việc chủ thể làm một việc bị pháp luật cấm. Không hành động phạm tội giết người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm – quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, qua việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm.
Hành vi khách quan của Tội giết người là những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan có sự kiểm soát của ý thức và sự điều khiển của ý chí. Đây là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là hành vi đó phải gây ra hoặc có khả năng gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật. Những hành vi không gây ra và cũng không có khả năng gây ra cái chết cho người khác hoặc tuy có khả năng gây ra cái chết cho người khác, nhưng không trái pháp luật (như hành vi phòng vệ chính đáng, hành vi thi hành án tử hình…) thì đều không phải là hành vi khách quan của Tội giết người.
Hậu quả
Hậu quả của Tội giết người là thiệt hại do hành vi phạm tội giết người gây ra cho quan hệ nhân thân, cho quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Thiệt hại này được thể hiện dưới dạng thiệt hại về thể chất – hậu quả chết người khác. Nghiên cứu hậu quả của Tội giết người có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành. Vì Tội giết người là tội phạm có cấu thành vật chất nên thời điểm hoàn thành của tội phạm này là thời điểm nạn nhân đã chết sinh vật – giai đoạn cuối cùng của sự chết mà ở đó sự sống của con người không gây ra và cũng không có khả năng hồi phục.
Thực tiễn xét xử cho thấy, để xác định đúng tội danh chúng ta cần phân biệt Tội giết người (phạm tội chưa đạt) với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác qua các tiêu chí cơ bản sau đây: 1) Nếu lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân thì định tội giết người (phạm tội chưa đạt). Đây là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có khả năng làm nạn nhân chết mà vẫn thực hiện vì mong muốn hậu quả nạn nhân chết xảy ra. Sở dĩ nạn nhân không chết là do nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn của người phạm tội; 2) nếu lỗi của người phạm tội không phải là lỗi cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân mà chỉ là lỗi cố ý gián tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân hoặc lỗi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì định Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (trong trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội phạm này).
Mối quan hệ nhân quả
Hành vi khách quan của Tội giết người được coi là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người khác nếu thoả mãn ba điều kiện: 1) Hành vi xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian; 2) Hành vi độc lập hoặc trong mối liên hệ tổng hợp với một hay nhiều hiện tượng khác phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả chết người khác. Khả năng này chính là khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: Khả năng gây chết người của hành động là dùng dao sắc nhọn đâm vào ngực nạn nhân hay của không hành động là không cho trẻ sơ sinh ăn, uống…; 3) Hậu quả chết người khác đã xảy ra phải đúng là sự hiện thực hoá khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi khách quan của Tội giết người hoặc là khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động.
Xác định đúng nguyên nhân dẫn đến hậu quả chết người khác không những giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ vấn đề có hành vi xâm phạm quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của người khác xảy ra hay không mà còn có thể kết luận ai là người đã thực hiện hành vi đó. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử Tội giết người trong những năm gần đây cho thấy, không ít trường hợp, do xác định không đúng mối quan hệ nhân quả nên đã xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm.
Chủ thể
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9, khoản 2 Điều 12 và Điều 123 BLHS năm 2015 thì chủ thể của Tội giết người là người từ đủ 14 tuổi trở lên (2). Quy định này dựa trên cơ sở nghiên cứu tâm sinh lý con người Việt Nam, truyền thống lập pháp và chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mặt chủ quan
Lỗi của người phạm tội giết người có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Theo quy định tại Điều 10 BLHS năm 2015 thì lỗi cố ý trực tiếp giết người là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhiều khả năng hoặc tất yếu làm nạn nhân chết nhưng vẫn mong muốn nạn nhân chết. Lỗi cố ý gián tiếp giết người là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể làm nạn nhân chết, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hoặc chấp nhận hậu quả nạn nhân chết.
Ngoài ý nghĩa trong việc định tội danh, xác định đúng hình thức lỗi còn có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt. Bởi lẽ, trong trường hợp giết người với lỗi cố ý gián tiếp, sự quan tâm của người phạm tội không hướng vào hậu quả chết người khác mà hướng vào mục đích khác. Do đó, tất cả những gì xảy ra đối với nạn nhân do hành vi phạm tội đưa lại đều có thể không có tác động gì đến người phạm tội. Ngược lại, trong trường hợp giết người với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội không những hướng tất cả sự chú ý vào việc gây ra hậu quả chết người khác mà còn cố gắng và quyết tâm gây ra hậu quả đó. Họ sẽ tiếp tục hành động, thậm chí còn hành động cương quyết và mạnh mẽ hơn chừng nào còn có biểu hiện là nạn nhân chưa chết, chưa bị tổn thương cơ thể hoặc chưa thể chết, chưa thể bị tổn thương cơ thể được. Cho nên, nếu các tình tiết khác tương đương, người phạm tội giết người với lỗi cố ý trực tiếp phải bị xử phạt nặng hơn người phạm tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp.
Trong mặt chủ quan của Tội giết người, động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, ở một số cấu thành tội phạm mà mặt khách quan cũng đòi hỏi dấu hiệu hành vi gây ra cái chết cho người khác, nhưng dấu hiệu động cơ hoặc mục đích phạm tội lại được quy định là dấu hiệu bắt buộc thì việc xác định đúng động cơ, mục đích phạm tội sẽ giúp định đúng tội danh, xác định đúng khung hình phạt và phân biệt được Tội giết người với một số tội phạm khác cũng có hành vi cố ý gây ra cái chết cho nạn nhân.
2. Thực tế tội giết người hiện nay đang được xem xét giải quyết như thế nào?
Theo quy trình tố tụng hình sự để giải quyết 1 vụ án giết người thì cần phải trải qua các giai đoạn xử lý đơn, tin tố giác; khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; điều tra; truy tố; xét xử.
Quá trình giải quyết vụ án giết người là 1 quá trình giải quyết giải mất rất nhiều thời gian 1 vụ án giết người có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm vụ án mới được đưa ra xét xử. Để giải quyết 1 vụ án hình sự thì Luật sư phải tham gia rất nhiều giai đoạn và mất nhiều công sức. Để được bảo vệ thì các bị can, bị cáo cần thuê Luật sư để tham gia bào chữa và để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ phải chịu đối với các bị can, bị cáo.
Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!