I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC GIAO ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Đối tượng được giao đất nông nghiệp được quy định gồm các chủ thể ở Điều 54. Liệu một cá nhân/ tổ chức cần đáp ứng những tiêu chí gì mà được bàn giao đất nông nghiệp? Vấn đề này em xin được lí giải cho đồng đội của mình:
Trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất
Theo quy định tại Điều 54 Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
(1) Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật Đất đai;
(2) Người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không thuộc trường hợp tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng
(3) Tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp;
(4) Tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước;
(5) Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp (gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động).
Về chủ thể được giao đất không thu tiền sử dụng đất
Đối tượng đầu tiên là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối. Như vậy, có 04 lĩnh vực hộ gia đình, cá nhân phải trực tiếp sản xuất là (i) nông nghiệp, (ii) lâm nghiệp, (iii) nuôi trồng thủy sản), và (iv) làm muối. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 (khoản 30 Điều 3) chỉ giải thích về “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp” mà không giải thích về ba trường hợp còn lại. Theo đó, Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.
Nhóm đối tượng thứ hai, Điều 54 Luật Đất đai năm 2013 quy định “Người sử dụng đất…”, nghĩa là người sử dụng đất có thể thuộc một trong 7 nhóm người sử dụng đất được quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013.
Nhóm đối tượng (3), (4), (5) được nêu cụ thể là: Tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính, tổ chức, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo.
Theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại thành 3 nhóm: Nhóm đất nông nghiệp; nhóm đất phi nông nghiệp; nhóm đất chưa sử dụng. Trong đó, nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; b) Đất trồng cây lâu năm; c) Đất rừng sản xuất; d) Đất rừng phòng hộ; đ) Đất rừng đặc dụng; e) Đất nuôi trồng thủy sản; g) Đất làm muối; h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.
Về cơ bản, các loại đất được nêu tại Điều 54 được phân loại thuộc các nhóm đất theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, đất lâm nghiệp thuộc loại đất gì chưa được nêu rõ về phân loại trong Điều 10 Luật Đất đai.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017 thì lâm nghiệp là ngành kinh tế – kỹ thuật bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản. Trong đó, Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên. (Khoản 3 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017); lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến. (Khoản 16 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017).
Trên cơ sở quy định tại Luật Lâm nghiệp và phân loại đất tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, sản xuất lâm nghiệp là những việc thuộc về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng. Nói cách khác, đất nông nghiệp sử dụng trong lĩnh vực lâm nghiệp là đất rừng.
Các loại đất nông nghiệp được giao cho Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tiếp tục được làm rõ qua quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013, cụ thể:
“Điều 129. Hạn mức giao đất nông nghiệp
- Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:…
- Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân
….
- Hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 héc ta đối với mỗi loại đất:
- a) Đất rừng phòng hộ;
- b) Đất rừng sản xuất”.
Từ các quy định trên, đất nông nghiệp được giao cho Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, gồm: đất trồng cây hàng năm (gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác), đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất trồng cây lâu năm, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
II. THỦ TỤC GIAO ĐẤT NÔNG NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH HIỆN NAY
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, Người sử dụng đất chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
Đơn xin giao đất;
Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất.
Phòng tài nguyên và môi trường có trách nhiệm cung cấp trích lục bản đồ địa chính thửa đất đối với những nơi đã có bản đồ địa chính hoặc thực hiện trích đo địa chính thửa đất theo yêu cầu của người xin giao đất.
Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại Phòng tài nguyên và môi trường
Lưu ý: Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 3 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Bước 3. Thẩm định hồ sơ
– Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định hố sơ xin giao đất của người sử dụng đất.
– Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất.
– Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bước 4. Thực hiện nghĩa vụ tài chính
Người được giao đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất nộp tiền sử dụng đất, người được thuê đất nộp tiền thuê đất.
Bước 5. Cấp Giấy chứng nhận cho Người sử dụng đất
– Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được giao đất, cho thuê đất.
– Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
– Thời hạn thực hiện thủ tục: Không quá 20 ngày.
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày. (Nghị định 01/2017/NĐ-CP)
Lưu ý:
Thời hạn được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật, không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Trên đây là bài viết THỦ TỤC GIAO ĐẤT NÔNG NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH HIỆN NAY. Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!