NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
1/ LỰA CHỌN LOẠI HÌNH CÔNG TY, DOANH NGHIỆP
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 thì có các loại hình công ty như sau: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên, Công ty cổ phần. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những đặc điểm pháp lý khác nhau nên tùy thuộc vào mục đích và điều kiện của từng nhà đầu tư mà lựa chọn loại hình doanh nghiệp cho phù hợp.
Theo xu hướng kinh doanh hiện nay thì loại hình công ty được lựa chọn nhiều nhất là Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên, Công ty cổ phần bởi tính ưu việt của nó so với những loại hình công ty còn lại.
Đối với công ty TNHH 1 thành viên: do 1 cá nhân hoặc 1 tổ chức làm chủ sở hữu và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên: có ít nhất từ 2 đến 50 thành viên tham gia góp vốn vào công ty và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Thành viên công ty có thể là cá nhân hoặc tổ chức theo quy định của pháp luật.
2/ CÁCH ĐẶT TÊN DOANH NGHIỆP
Sau khi lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp thì nhà đầu tư có thể lựa chọn được tên công ty. Vì theo quy định tại Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020 thì tên doanh nghiệp bao gồm 2 thành tố là “Loại hình doanh nghiệp” và “Tên riêng”. Loại hình doanh nghiệp thì có thể là công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần, còn tên riêng của doanh nghiệp là tên được viết theo bảng chữ cái của Tiếng Việt, bao gồm cả chữ số và ký hiệu. Khi đặt tên doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần lưu ý về các trường hợp bị cấm khi đặt tên doanh nghiệp và những trường hợp đặt tên trùng, tên gây nhầm lẫn với những doanh nghiệp khác được quy định tại Điều 38, Điều 41 Luật doanh nghiệp 2020.
3/ LỰA CHỌN NGÀNH NGHỀ KINH DOANH
Ngành nghề kinh doanh là những lĩnh vực mà doanh nghiệp muốn hoạt động và phải đăng ký với cơ quan Nhà nước quản lý. Doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, tuy nhiên, tùy từng lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện trước khi đăng ký và/hoặc sau khi đăng ký kinh doanh, ví dụ như: kinh doanh ngành nghề yêu cầu vốn pháp định thì doanh nghiệp phải chứng minh số vốn pháp định trước khi đăng ký kinh doanh.
4/ LỰA CHỌN NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIỆP
Người đại diện theo pháp luật (Giám đốc/ Tổng giám đốc/ Chủ tịch…) là người chịu trách nhiệm chính trong mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, là người đại diện cho doanh nghiệp làm việc, ký kết giấy tờ, thủ tục với cơ quan nhà nước, với các cá nhân hoặc tổ chức khác. Luật doanh nghiệp quy định “Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.”
Trên đây là bài viết về NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP. Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!