Một số vấn đề khó khăn khi thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương
Trong xã hội hiện đại, ly hôn không còn là điều xa lạ hay đáng sợ mà đã trở nên phổ biến, đặc biệt là với vợ chồng trẻ. Khi cuộc hôn nhân đã không còn ý nghĩa, đời sống chung không thể kéo dài, nhiều người chọn cách ly hôn nhưng một bên lại không đồng ý. Trong trường hợp đó, chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn cách đơn phương ly hôn. Việc đơn phương ly hôn được quy định tại Chương IV Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương cũng rất dễ gặp phải nhiều vấn đề khó khăn, cụ thể như sau:
Khó khăn về hồ sơ khi đơn phương ly hôn
Trong hồ sơ đơn phương ly hôn cần có các giấy tờ sau:
Đơn xin ly hôn đơn phương;
Giấy chứng nhận kết hôn;
Giấy tờ tùy thân của hai vợ chồng;
Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của hai vợ chồng;
Bản sao Giấy khai sinh của các con chung.
Có thể thấy rằng, khi nộp hồ sơ ly hôn đơn phương, người nộp hồ sơ không chỉ phải cung cấp các giấy tờ cá nhân của mình mà còn phải cung cấp giấy tờ của vợ/chồng mình. Nếu như người kia không đồng ý ly hôn thì việc hoàn thiện hồ sơ ly hôn sẽ rất khó khăn. Từ đó hồ sơ ly hôn sẽ không được thụ lý và giải quyết.
Thậm chí đối với các trường hợp đơn phương ly hôn nhưng hai bên vợ chồng tranh chấp nhau về quyền nuôi con hay tài sản. Khi đó, hồ sơ còn cần bổ sung giấy tờ chứng minh đi kèm với yêu cầu.
Khó khăn về thẩm quyền khi đơn phương ly hôn
Thực tế, pháp luật cho phép hai bên tự thỏa thuận để lựa chọn Tòa án giải quyết. Tuy nhiên trong trường hợp các bên không đồng ý ly hôn thì việc cùng nhau thống nhất Tòa án hiếm khi xảy ra.
Trong đơn phương ly hôn, cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn cư trú. Nếu hai bên vợ chồng đã ly thân và có nơi cư trú xa nhau thì người làm đơn sẽ tốn nhiều thời gian và công sức di chuyển tới Tòa án nơi người kia cư trú.
Nhiều trường hợp, bên bị đơn còn gây khó khăn bằng cách chuyển nơi cư trú liên tục để tránh khi Tòa án xuống xác minh, gây cản trở quá trình giải quyết vụ việc.
Khó khăn về thời gian khi thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn
Thời gian thủ tục ly hôn đơn phương không được quy định cụ thể cho toàn bộ quá trình mà chỉ chia nhỏ từng giai đoạn để giải quyết. Khi ấy người làm đơn ly hôn sẽ không thể nắm bắt được quy định về thời gian thực hiện khiến cho vụ việc vị kéo dài hoặc hồ sơ gửi đi nhưng chưa có ai giải quyết.
Bên cạnh đó, khi thực hiện thủ tục ly hôn cần có sự chấp thuận của cả hai vợ chồng. Vì vậy, Tòa án sẽ phải có ý kiến của cả hai người. Tuy nhiên nếu bên không đồng thuận ly hôn cố tình không tới làm buổi làm việc bị hoãn gây mất thời gian và công sức cho bên nguyên đơn. Họ cũng có thể cố tình không nhận các văn bản do Tòa án gửi nhằm kéo dài thời gian xử lý.
Khó khăn khi đơn phương ly hôn kèm tranh chấp về tài sản
Trên thực tế, khi đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến một bên phải yêu cầu đơn phương ly hôn thì chắc chắn các tranh chấp khác sẽ xảy ra. Đặc biệt với tranh chấp tài sản, khó khăn phát sinh từ quá trình chuẩn bị, bổ sung hồ sơ ly hôn, phiên tòa hòa giải và phiên tòa xét xử.
Trong thời kỳ hôn nhân, các cặp vợ chồng rất hay lãng quên tới việc xác định tài sản riêng hoặc tài sản chung của hai người. Đến khi xảy ra việc ly hôn, rất khó để thu thập lại các bằng chứng chứng minh tài sản riêng, tài sản chung hay phần đóng góp cụ thể của các bên.
Khó khăn về thủ tục thực hiện khi đơn phương ly hôn
Việc hòa giải là một thủ tục bắt buộc trong đơn phương ly hôn, nhưng hoà giải được diễn ra nhiều lần sẽ làm mất rất nhiều thời gian của các bên. Ngoài các buổi hòa giải có thể phải bổ sung thêm một số hoạt động như thẩm định giá tài sản, lấy ý kiến của con…
Mỗi bước được bổ sung nói trên sẽ cần phải tuân thủ những điều kiện riêng nhưng đều có một điểm chung là làm cho thủ tục ly hôn đơn phương trở nên phức tạp hơn.
Khó khăn về chi phí khi đơn phương ly hôn
Chi phí khi đơn phương ly hôn không chỉ tiêu tốn cho việc đi lại, làm việc tại Tòa án mà các bên còn phải chịu một khoản tiền án phí, tạm ứng án phí khá cao. Đặc biệt là đối với vụ án ly hôn đơn phương có tranh chấp về tài sản, các bên sẽ phải chịu án phí dựa trên giá trị tài sản nhận được sau ly hôn theo bảng giá ngạch, tiền phí thẩm định giá tài sản.