“Ly hôn khi cả hai đang ở nước ngoài? Xin chào Luật sư, tôi có một vấn đề thắc mắc và cần được Luật sư hỗ trợ tư vấn giúp tôi như sau: Hai vợ chồng tôi là công dân Việt Nam nhưng vào năm 2019 cả hai vợ chồng tôi đều xuất cảnh và hiện đang ở nước Đức. Lúc đăng ký kết hôn chúng tôi đăng ký tại Việt Nam, cụ thể là cả hai chúng tôi đều ở tại TP. HCM nhưng hiện nay chúng tôi lại không thể về nước và tôi muốn ly hôn với chồng tôi khi cả hai người đang ở nước ngoài. Vậy Luật sư cho tôi hỏi làm thế nào để được ly hôn khi cả hai vợ chồng đều ở nước ngoài? Tôi xin chân thành cảm ơn.”
Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến Luật Nguyên Phát, về vấn đề của các bạn chúng tôi sẽ có những giải đáp cụ thể như sau.
Thẩm quyền Tòa án giải quyết ly hôn khi cả hai vợ chồng đều ở nước ngoài
Hiện tại nếu vợ chồng bạn đang định cư, làm việc, học tập ở nước Đức, nộp đơn xin ly hôn tại Việt Nam thì sẽ thuộc trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài (Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP). Căn cứ theo các quy định tại Điều 29, Điều 37, Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Trước khi ra nước ngoài, hai vợ chồng bạn đều cư trú ở Tp. HCM nên Tòa án nhân dân TP. HCM sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ việc của bạn. Và để giải quyết được thì một hoặc cả hai vợ chồng phải về nước để tiến hành thủ tục ly hôn.
Hồ sơ xin được ly hôn khi cả hai vợ chồng đều ở nước ngoài
Thành phần của hồ sơ bắt buộc phải có những tài liệu dưới đây:
- Đơn xin ly hôn theo mẫu quy định.
- Bản chính của Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
- Bản sao có chứng thực của chứng minh thư nhân dân/hộ chiếu còn hiệu lực/thẻ căn cước công dân.
- Bản sao có chứng thực của hộ khẩu thường trú hoặc là tạm trú của cả vợ và chồng.
- Các giấy tờ chứng minh cho quyền sở hữu tài sản vợ chồng như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở và các tài sản khác có gắn liền với đất, Giấy chứng nhận sở hữu xe ô tô…
- Bản sao của giấy khai sinh của các con (nếu có).
Vì cả hai vợ chồng bạn đang ở nước ngoài nên Hồ sơ xin ly hôn có thể gửi thông qua dịch vụ bưu chính tới tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, tòa sẽ yêu cầu vợ chồng tới tòa làm việc ít nhất 01 buổi. Trường hợp vợ chồng bạn không thể về nước thì có thể làm đơn nêu rõ lý do không về nước được. Tòa án sẽ xem xét lý do trên, nếu lý do hợp lý thì tòa có thể ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn dựa trên các tài liệu bạn cung cấp mà không cần bạn về nước.
Thời gian ly hôn sẽ được tính là 2 đến 3 tháng nếu thuận tình ly hôn và từ 4 đến 6 tháng nếu là đơn phương ly hôn.
Vấn đề nuôi dưỡng con cái sau khi ly hôn
Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ sau ly hôn đối với con cái vẫn phải được bảo đảm thực hiện theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình:
– Sau khi đã ly hôn, cha mẹ vẫn có được quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con cái chưa thành niên, con đã thành niên nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc là con không có khả năng lao động và không có được tài sản để tự nuôi mình theo quy định Luật này và Luật khác có liên quan.
– Vợ và chồng phải thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con mình, về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với con của mình. Trong trường hợp mà cả hai vợ chồng đều không thỏa thuận được về vấn đề này thì Tòa án sẽ quyết định việc giao con cho vợ hoặc chồng nuôi dựa vào các quyền lợi về mọi mặt của đứa con. Nếu như đứa con đã có độ tuổi từ đủ 7 tuổi trở lên thì sẽ xem xét đến nguyện vọng của con.
– Nếu như con dưới 36 tháng tuổi thì sẽ giao con cho người mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp mà người mẹ ấy không đủ các điều kiện để trực tiếp nuôi con hoặc là cha mẹ của đứa con có sự thỏa thuận về lợi ích của con.
Như vậy, vấn đề nuôi con sẽ do cả hai vợ chồng trực tiếp thỏa thuận, nếu như không thỏa thuận được Tòa án sẽ tiến hành giải quyết. Nếu con dưới 36 tháng tuổi thì người mẹ sẽ trực tiếp nuôi trừ trường hợp khác, nếu con từ đủ 7 tuổi thì Tòa án sẽ phải xem xét các nguyện vọng của con.
Trên đây là các quy định của pháp luật về vấn đề ly hôn khi cả hai vợ chồng đều ở nước ngoài cùng vấn đề con cái liên quan. Nếu như bạn đọc có thắc mắc gì về những giải đáp trên hoặc có vướng mắc về vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật Nguyên Phát để chúng tôi có thể hỗ trợ thêm thông tin và chi tiết các quy định mới nhất.