Đất đai

Hướng dẫn cách giải quyết khi bồi thường thu hồi đất không thỏa đáng

Hướng dẫn cách giải quyết khi bồi thường thu hồi đất không thỏa đáng

Trường hợp nào được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi?

Bồi thường thu hồi đất là một trong những biện pháp của Nhà nước nhằm bù đắp tổn thất cho người dân khi có đất bị thu hồi. Do đó, việc bồi thường cần minh bạch, khách quan và đảm bảo quyền lợi cả hai bên.

Theo khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai 2013, điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với cá nhân, hộ gia đình như sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này;…”.

Theo quy định trên, để được bồi thường về đất thì cá nhân, hộ gia đình cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm.

– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa được cấp.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai 2013, cụ thể:

2. Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này.”.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân vẫn được bồi thường về đất ngay cả khi không đủ điều kiện cấp Sổ đỏ nếu đáp ứng đủ 02 điều kiện sau:

– Là đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01/7/2004.

– Người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, với trường hợp này pháp luật quy định chỉ được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng và diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp.

Đền bù không thỏa đáng, người dân có được từ chối giao lại đất?

Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất có nghĩa vụ giao đất và không có quyền thỏa thuận giá bồi thường.

Theo đó, Nhà nước quyết định giá bồi thường về đất theo giá đất cụ thể dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai và áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp.

Bên cạnh đó, Hiến pháp 2013 và Luật Đất đai 2013 cũng đã nêu rõ:

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”.

Như vậy, đất đai không thuộc sở hữu của riêng cá nhân hay tổ chức nào, người dân chỉ được trao quyền sử dụng đất còn Nhà nước sẽ đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Do đó, người dân không được thỏa thuận về giá đền bù, nếu nhận thấy giá đền bù không thỏa đáng vẫn phải tiến hành giao lại đất cho Nhà nước quản lý.

Trường hợp không thực hiện giao đất khi có quyết định thu hồi đất, người dân sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai 2013 như sau:

Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật này.”.

Tuy nhiên, trường hợp có căn cứ cho rằng cơ quan Nhà nước ra phương án đền bù không đúng với quy định gây khiến quyền lợi người dân bị ảnh hưởng thì người dân có quyền khiếu nại, khởi kiện hành chính đối với phương án đền bù này.

Thủ tục khiếu nại bồi thường đất không thỏa đáng

Tại Điều 204 Luật Đất đai 2013 nêu rõ:

1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.”.

Theo quy định trên, trường hợp người sử dụng đất có căn cứ cho rằng Nhà nước bồi thường đất không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, phương thức khiếu nại là được nhiều người dân lựa chọn hơn cả.

Cụ thể:

– Đối tượng khiếu nại:

Căn cứ Điều 204 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về bồi thường nhưng không thỏa đáng.

– Thời hiệu khiếu nại:

Theo Điều 9 Luật Khiếu nại 2011:

(1) Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định bồi thường đất không thỏa đáng.

(2) Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

– Hồ sơ khiếu nại:

Gồm các giấy tờ sau:

(1) Đơn khiếu nại.

(2) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,

(3) Giấy tờ liên quan đến quá trình sử dụng đất,

(4) Phương án đền bù đất đai của chính quyền địa phương,

(5) Quyết định thu hồi đất để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng,

(6) Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng,

(7) Thông báo di dời, giải tỏa,

(8) Thông báo thực hiện cưỡng chế,

(9) Quyết định về giá đất cụ thể,

(10) Hình ảnh, sơ đồ, video chứng minh sự sai phạm…

Trường hợp vì lý do khách quan mà người khiếu nại không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ kèm theo Đơn khiếu nại thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại bị xâm phạm.

– Thẩm quyền giải quyết khiếu nại bồi thường chưa thỏa đáng:

Căn cứ tại Điều 7, Điều 17, Điều 18, Điều 19 Luật Khiếu nại 2011, việc phân định thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai được quy định như sau:

Chủ tịch UBND các cấp giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai của mình, của người do mình quản lý trực tiếp;

Thủ trưởng các cơ quan quản lý đất đai và các cơ quan, đơn vị liên quan khác giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai của mình hoặc của cán bộ công chức do mình quản lý trực tiếp;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường giải quyết lần đầu đối với khiếu nại quyết định hành chính của mình hoặc của người mình trực tiếp quản lý;

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai về đất đai thuộc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc mà thủ trưởng các quan đơn vị này đã giải quyết khiếu nại lần đầu nhưng quyết định giải quyết đó không được người sử dụng đất đồng ý, tiếp tục khiếu nại lên cấp trên.

– Gửi đơn khiếu nại

Theo Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, người khiếu nại có thể gửi đơn khiếu nại theo 02 phương thức:

Nộp trực tiếp tại cơ quan.

Nộp đơn tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia

– Quy trình xử lý đơn khiếu nại

Bước 1: Thụ lý đơn

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết.

Trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do theo Điều 28 Luật Khiếu nại 2011

Bước 2: Xác minh nội dung khiếu nại

Căn cứ Điều 29 Luật Khiếu nại 2011 trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau:

Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;

Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại

Bước 3: Tổ chức đối thoại

Người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.

Việc đối thoại phải được lập thành biên bản. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại theo quy định khoản 1 Điều 30 Luật Khiếu nại 2011

Bước 4: Ra quyết định giải quyết đơn khiếu nại

Theo quy định tại Điều 31 Luật Khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại.

Đánh giá bài viết này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.