HAI BÊN VỢ CHỒNG ĐÃ TỰ THỎA THUẬN VỀ VIỆC CHIA TÀI SẢN CHUNG SAU KHI LY HÔN, TUY NHIÊN SAU ĐÓ VỢ/CHỒNG KHÔNG THỰC HIỆN THỎA THUẬN THÌ GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?
Thực tiễn các vụ tranh chấp về tài sản sau khi ly hôn đã cho thấy trong nhiều trường hợp, hai bên đương sự mặc dù đã ghi nhận vào đơn khởi kiện/đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn về việc sẽ tự nguyện phân chia tài sản và không yêu cầu Tòa án giải quyết, tuy nhiên tới khi bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật, họ lại “quay xe” xé bỏ thỏa thuận đã giao kết, không thực hiện nghĩa vụ đối với tài sản. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền và lợi ích hợp pháp của bên đương sự còn lại. Vậy, đối chiếu theo những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, cơ chế để giải quyết đối với trường hợp nêu trên là gì và cách thức để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những đương sự bị vi phạm nghĩa vụ ra sao, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý độc giả những thông tin chi tiết.
1. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung sau ly hôn được hiểu như thế nào?
Về mặt pháp lý, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến thỏa thuận phân chia tài sản sau ly hôn, tuy nhiên xem xét các nguyên tắc của Bộ luật dân sự 2015, đặc biệt là nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng được ghi nhận tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật này: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.”, có thể đưa ra kết luật thỏa thuận phân chia tài sản sau ly hôn là sự thể hiện ý chí tự nguyện của cả hai bên vợ chồng trong việc phân chia tài sản trong khối tài sản chung sau khi quan hệ hôn nhân chấm dứt.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung sau ly hôn có bắt buộc phải công chứng, chứng thực không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải được lập thành văn bản và được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Tức nghĩa, trường hợp vợ/chồng không có yêu cầu hoặc pháp luật không có quy định khác thì thỏa thuận về việc chia tài sản chung sau khi ly hôn sẽ không cần phải công chứng, chứng thực.
Đồng thời căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 thì : “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;” Do đó, việc công chứng là bắt buộc đối với những thỏa thuận chia tài sản chung có đối tượng là quyền sử dụng đất.
3. Cách thức giải quyết đối với trường hợp vợ/chồng không thực hiện thỏa thuận chia tài sản chung sau ly hôn
Việc giải quyết trường hợp vợ hoặc chồng không thực hiện thỏa thuận chia tài sản chung sau ly hôn được có thể thông qua 02 cách thức dưới đây:
Trường hợp 1: Nếu thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ và chồng đã được ghi nhận trong bản án hoặc quyết định ly hôn của Tòa án thì trong trường hợp một người không thực hiện thỏa thuận thì người còn lại có thể gửi đơn yêu cầu lên Chi cục thi hành án dân sự để cưỡng chế, buộc bên không thực hiện thỏa thuận phải tuân thủ.
Trường hợp 2: Nếu thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ và chồng không được ghi nhận trong bản án hoặc quyết định ly hôn của Tòa án, bên bị vi phạm có thể khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục giải quyết một vụ việc dân sự thông thường dựa trên chứng cứ mà các bên đã thỏa thuận với nhau tại biên bản thỏa thuận phân chia tài sản chung. Trong quá trình giải quyết, tòa án sẽ xem xét thỏa thuận phân chia tài sản có hợp pháp hay không, bao gồm các yếu tố như sự tự nguyện của các bên, nội dung thỏa thuận có vi phạm điều cấm của luật hay trái đạo đức xã hội không. Nếu thỏa thuận hợp pháp, tòa án sẽ bảo vệ quyền lợi của bên tuân thủ thỏa thuận.
Như vậy, nếu một bên không thực hiện thỏa thuận về phân chia tài sản, bên còn lại có thể yêu cầu thi hành án nếu thỏa thuận đã được ghi nhận trong bản án hoặc khởi kiện tranh chấp tại tòa án.
Trên đây là bài viết về HAI BÊN VỢ CHỒNG ĐÃ TỰ THỎA THUẬN VỀ VIỆC CHIA TÀI SẢN CHUNG SAU KHI LY HÔN, TUY NHIÊN SAU ĐÓ VỢ/CHỒNG KHÔNG THỰC HIỆN THỎA THUẬN THÌ GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?. Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!