CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH CHO NGƯỜI KHÁC KHI NÀO SẼ TRỞ THÀNH TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ – THỰC TIỄN VÀ LƯU Ý
Bạn có bao giờ chứng kiến một vụ xô xát, đánh nhau trên đường phố? Hay nghe về những câu chuyện đau lòng về bạo lực gia đình? Những hành vi này không chỉ gây tổn thương về thể xác mà còn để lại những hậu quả tâm lý nặng nề cho nạn nhân.
Trong khoảng thời gian cuối năm 2022 tại Đà Nẵng đã xảy ra vụ việc gây xôn xao dư luận, khiến nhiều người có những suy nghĩ sai lệch. Ông Nguyễn Viết Dũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Quảng, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 6/12/2022 khi chơi golf tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, trong quá trình chơi, do bất đồng với một nữ caddie tên L. khi tính số gậy đã chơi trong một hố, ông Nguyễn Viết Dũng, thành viên của nhóm đã dùng gậy driver đánh vào người nữ caddie. Có thể thấy đây là một tình trạng thường thấy ở trong xã hội hiện nay, khi chúng ta có những bất đồng quan điểm thường sẽ có xu hướng giải quyết bằng “nắm đấm”. Trường hợp của ông D. sau khi xác định không có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính với ông D. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều vụ việc chỉ vì “lời qua tiếng lại”, xích mích vì những lý do nhỏ mà từ đó để lại hậu quả khôn lường như chết người, hay làm trọng thương sức khỏe người khác.
Vậy hiện nay pháp luật Việt Nam có quy định như thế nào về hành vi gây thương tích cho người khác và khi nào cố ý gây thương tích sẽ trở thành trách nhiệm hình sự, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết cho bạn.
1. Cố ý gây thương tích là gì?
Để hiểu rõ về vấn đề này, các quy định cụ thể của Luật ra sao, quý độc giả cần phải nắm rõ cố ý gây thương tích là gì, hành vi cụ thể nào sẽ là tội cố ý gây thương tích. Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, có thể hiểu cố ý gây thương tích là hành vi cố ý xâm phạm thân thể, gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
2. Mức phạt với tội cố ý gây thương tích
Người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về một trong các tội sau:
* Tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017):
– Khung 1:
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
+ Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
+ Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
+ Có tính chất côn đồ;
+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
– Khung 2:
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
– Khung 3:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
– Khung 4:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
– Khung 5:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
+ Làm chết 02 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
– Chuẩn bị phạm tội:
Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Tuy vậy không phải trong trường hợp nào cũng áp dụng quy định cố ý gây thương tích theo điều 134 BLHS, trong một số trường hợp cụ thể pháp luật còn có những quy định khác nhau, ví dụ như trong trường hợp cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, hay cố ý gây thương tích khi vượt quá phòng vệ chính đáng, vượt quá khi đang bắt giữ người phạm tội. Việc quy định rõ trong từng trường hợp cụ thể là đúng đắn của các nhà làm luật, mỗi trường hợp lại có yếu tố cấu thành khác nhau, vì cốt lõi của hình phạt chính là răn đe hành vi có tính chất nguy hiểm gây ảnh hưởng tới xã hội, giữa hành vi cố ý gây thương tích vì mục đích khác với việc cố ý gây thương tích vì các tác động ( trong khi thực hiện việc bắt giữ người phạm tội, phòng vệ chính đáng…)
* Tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017):
– Khung 1:
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
– Khung 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
+ Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên.
– Khung 3:
Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
* Tội gây thương tích trong khi thi hành công vụ (Điều 137 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017):
– Khung 1:
Người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Khung 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Đối với 02 người trở lên, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31 % trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.
– Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra việc cố ý gây thương tích sẽ bị xử lý vi phạm hành chính khi mà chưa cấu thành yếu tố phạm tội, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hành chính, có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (Điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Trong quy định về hành vi tội phạm này, giữa yếu tố cấu thành xử lý vi phạm hành chính và trách nhiệm hình sự là rất mong manh, chỉ cần một chi tiết theo luật quy định đã có thể chuyển từ vi phạm hành chính sang trách nhiệm hình sự. Chính vì thế việc hiểu và nắm rõ các quy định là rất cần thiết.
Nếu quý độc giả đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!