Có thể ly hôn đơn phương khi không có chứng minh nhân dân và hộ khẩu của chồng không?
Căn cứ quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn kèm theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì khi bạn muốn ly hôn đơn phương thì hồ sơ ly hôn đơn phương cần những giấy tờ sau:
– Đơn khởi kiện về việc ly hôn: viết tay, đánh máy hoặc đến trực tiếp Tòa án xin mẫu đơn khởi kiện về việc ly hôn;
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản chính;
– Bản sao sổ hộ khẩu của bạn có chứng thực;
– Bản sao chứng minh nhân dân/ Thẻ căn cước công dân/ Hộ chiếu có chứng thực của bạn;
– Bản sao giấy khai sinh của các con có chứng thực;
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, giấy đăng ký xe ô tô, xe máy hoặc các giấy tờ chứng minh tài sản của hai vợ chồng (nếu có).
Như vậy, khi bạn ly hôn đơn phương thì bạn chỉ cần cung cấp hồ sơ có đủ giấy tờ của bạn, còn không bắt buộc cần chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của chồng bạn thì Tòa án có thẩm quyền vẫn thụ lý hồ sơ ly hôn đơn phương của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng cần xác nhận thông tin hiện nay chồng bạn đang cư trú ở đâu thông qua xác nhận của công an xã, phường, thị trấn thì Tòa án mới có cơ sở để tiếp nhận đơn ly hôn cho bạn.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương là Tòa án nào?
Căn cứ Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thì khi ly hôn mà có tranh chấp về con chung, tài sản chung thì thuộc một trong các trường hợp những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Cũng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35:
“1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;”
Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ theo đó, thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân; Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn.
Như vậy, trong trường hợp này, bạn muốn ly hôn đơn phương thì bạn là nguyên đơn (người làm đơn khởi kiện) thì bạn phải nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi chồng bạn cư trú (có thể là đăng ký tạm trú hoặc có hộ khẩu thường trú) hoặc nơi chồng bạn làm việc. Bạn chỉ cần biết hộ khẩu thường trú của chồng bạn hiện đang ở đâu thì có thể nộp hồ sơ ly hôn đơn phương trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Tòa án nơi chồng bạn đăng ký hộ khẩu thường trú để yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho bạn.
3. Thủ tục hòa giải khi ly hôn đơn phương có bắt buộc không?
Căn cứ theo Điều 10 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó, trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây: Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình; Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Chính vì vậy, thủ tục hòa giải trong quá trình giải quyết ly hôn của hai vợ chồng là bắt buộc theo quy định, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn:
“Điều 206. Những vụ án dân sự không được hòa giải
- Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
- Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được
- Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
- Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
- Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
- Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.”
Như vậy, về nguyên tắc, khi bạn nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề ly hôn cho hai vợ chồng bạn thì thủ tục hòa giải tại Tòa án là bắt buộc, trừ những trường hợp không tiến hành hòa giải được.