Có lẽ đây là thắc mắc chung của tất cả chị em phụ nữ trong trường hợp đi đến quyết định ly hôn. Sau đây, Luật Nguyên Phát xin giải đáp cho câu hỏi nếu ly hôn thì người phụ nữ sẽ được đảm bảo các quyền lợi nào?
1/ Chồng không được yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình gọi tắt là Luật HN&GĐ). Theo đó, Điều 51 Luật này nêu rõ, những người sau đây có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
– Vợ và chồng (trong trường hợp thuận tình ly hôn);
– Vợ hoặc chồng (trong trường hợp ly hôn đơn phương);
– Cha, mẹ, người thân thích khác (khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ).
Đặc biệt, khoản 3 Điều này khẳng định:
Chồng không được quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Theo quy định trên, vì để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, Luật hạn chế quyền được yêu cầu ly hôn của chồng trong các trường hợp trên.
Tuy nhiên, đáng nói là, mặc dù Luật quy định chồng không được ly hôn khi vợ thuộc một trong các trường hợp trên, nhưng nếu mục đích hôn nhân không đạt được, đời sống chung không thể kéo dài… thì người vợ đang có thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền yêu cầu ly hôn.
Như vậy, có thể thấy, Luật chỉ không cho chồng ly hôn chứ không hề cấm vợ đang có thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi được yêu cầu ly hôn.
2/ Khi ly hôn, vợ ở nhà nội trợ vẫn là lao động có thu nhập
Khi ly hôn, công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc phân chia tài sản chung vợ chồng.
Về nguyên tắc nêu tại khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng có căn cứ vào hoàn cảnh của gia đình, vợ, chồng, công sức đóng góp… Đặc biệt, quy định này khẳng định, lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi là lao động có thu nhập.
Đồng thời, đây cũng là quy định nêu tại khoản 2 Điều 16 Luật HN&GĐ. Cụ thể, công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi là lao động có thu nhập.
Đặc biệt, không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập (theo khoản 1 Điều 29 Luật HN&GĐ).
Như vậy, có thể thấy, nếu vợ chỉ làm việc nội trợ ở nhà thì vẫn được coi là lao động có thu nhập và không bị phân biệt với chồng đi làm ở bên ngoài. Do đó, khi ly hôn, chia tài sản, công sức đóng góp của vợ làm việc nội trợ cũng bằng với công sức đóng góp khi chồng đi làm việc ở bên ngoài.
3/ Vợ được trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi?
Khi ly hôn, không chỉ quan hệ hôn nhân chấm dứt mà quan hệ giữa cha, mẹ và con cũng có thay đổi. Rõ rệt nhất là khi cha mẹ ly hôn, con sẽ chỉ được sống với một trong hai bên cha mẹ.
Theo đó, mặc dù cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nhưng hoặc sẽ do hai bên thỏa thuận hoặc sẽ do Tòa án quyết định người được trực tiếp nuôi con.
Theo Điều 81 Luật HN&GĐ, vợ chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Đặc biệt, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Đồng thời, với những người con dưới 36 tháng tuổi, độ tuổi cần sự chăm sóc, nuôi nấng của mẹ nhất thì Luật khẳng định:
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi con
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc do cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con thì con có thể được giao cho người cha nuôi.
Khi đó, người nào không trực tiếp nuôi con sẽ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con và tôn trọng quyền được sống chung với người còn lại của con. Đồng thời, người không trực tiếp nuôi có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không bị ai cản trở.
Như vậy, có thể thấy, sau khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao trực tiếp cho mẹ chăm sóc trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc người mẹ không đủ khả năng tạo cho con môi trường phát triển tốt nhất, không có đủ điều kiện để nuôi dạy, chăm sóc con.
——————————-
Trên đây là 03 quyền lợi của phụ nữ khi ly hôn nhất định phải biết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu quý khách hàng còn vấn đề thắc mắc cần giải đáp, thì có thể gọi cho chúng tôi với số HOTLINE: 0364310003 để được giải đáp chi tiết và nhanh nhất.