Căn cứ theo khoản 2 Điều 29 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền xác định dân tộc như sau:
Điều 29. Quyền xác định, xác định lại dân tộc
1. Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình.
2. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
[…]
Đồng thời, tại Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về áp dụng tập quán như sau:
Điều 5. Áp dụng tập quán
1. Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
Theo đó, tuỳ từng trường hợp khác nhau, việc xác định dân tộc cho con sẽ thực hiện khác nhau theo khoản 2 Điều 29 Bộ luật Dân sự 2015.
I. TRONG TRƯỜNG HỢP CON CÓ ĐẦY ĐỦ CẢ CHA MẸ ĐẺ
– Cha mẹ đẻ cùng dân tộc: Con sinh ra sẽ theo dân tộc của cha và mẹ đẻ. Đồng nghĩa, nếu cha mẹ đẻ có cùng dân tộc thì con sẽ theo dân tộc này.
– Cha mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau: Dân tộc của con sẽ được xác định như sau:
+ Theo sự thoả thuận của cha mẹ đẻ: Theo cha đẻ hoặc theo mẹ đẻ.
+ Không thoả thuận được: Dân tộc của con xác định theo tập quán. Nếu tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
II. TRƯỜNG HỢP TRẺ BỊ BỎ RƠI, CHƯA XÁC ĐỊNH ĐƯỢC CHA MẸ ĐẺ VÀ ĐƯỢC NHẬN CON NUÔI
Được xác định theo dân tộc của một trong hai người, cha nuôi hoặc mẹ nuôi (nếu cha mẹ nuôi có thỏa thuận). Nếu chỉ có một người nhận nuôi thì dân tộc của con sẽ được lấy theo dân tộc của người đó.
III. TRẺ BỊ BỎ RƠI, CHƯA XÁC ĐỊNH ĐƯỢC CHA MẸ ĐẺ VÀ CHƯA ĐƯỢC NHẬN NUÔI
Được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Do vậy, nếu trẻ có đầy đủ cha mẹ thì việc xác định dân tộc con theo dân tộc của mẹ thực hiện theo thỏa thuận giữa cha mẹ.
Trên đây là bài viết CÓ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH DÂN TỘC CỦA CON THEO DÂN TỘC CỦA MẸ HAY KHÔNG? Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!