Hôn nhân và Gia đình, Luật sư và tư vấn viên

PHÂN BIỆT DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA TỘI “LỢI DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN GÂY ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC ĐỂ TRỤC LỢI” VÀ TỘI “NHẬN HỐI LỘ”

PHÂN BIỆT DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA TỘI “LỢI DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN GÂY ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC ĐỂ TRỤC LỢI” VÀ TỘI “NHẬN HỐI LỘ”

Trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hai tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và “Nhận hối lộ” đều liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người có chức vụ hoặc quyền hạn. Tuy nhiên, chúng được quy định với các dấu hiệu pháp lý khác nhau và có những khác biệt quan trọng về bản chất của hành vi phạm tội. Trong khi tội nhận hối lộ phản ánh trực tiếp hành vi của người có chức vụ nhận tiền hoặc lợi ích vật chất từ người khác để làm hoặc không làm việc gì đó trái với pháp luật, thì tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng để trục lợi là hành vi lợi dụng uy tín, vị trí để tác động lên người khác vì mục đích cá nhân. Việc phân biệt rõ ràng giữa hai tội danh này giúp đảm bảo áp dụng đúng các chế tài hình sự, phản ánh chính xác mức độ nguy hiểm và hậu quả xã hội mà hành vi phạm tội gây ra. Bài viết này sẽ làm rõ dấu hiệu pháp lý của từng tội danh, từ đó phân biệt và lý giải các khía cạnh pháp lý quan trọng.

Thứ nhất, về dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Điểm phân biệt giữa tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và tội “Nhận hối lộ” về dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm đó chính là:

Ở tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, hành vi khách quan của người phạm tội dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn quyền hạn làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người khác là hành vi sử dụng mối quan hệ giữa mình với người khác, mà mối quan hệ này do chức vụ, quyền hạn đem lại cho người phạm tội, do có chức vụ, quyền hạn nên có ảnh hưởng nhất định đối với người mà người phạm tội tác động, thúc đẩy. Nếu chỉ dùng ảnh hưởng trong lĩnh vực tình cảm, gia đình, họ hàng, bạn bè… không liên quan gì đến chức quyền hạn thì không phải là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Hành động thúc đẩy có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: trực tiếp yêu cầu, viết thư, công văn, gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để người này truyền đạt lại ý kiến của mình với người có chức vụ, quyền hạn. Nói chung, hành động thúc đẩy không mang tính chất ép buộc, không làm cho người bị thúc đẩy vì sợ mà phải nghe theo. Tuy nhiên, về phía người bị thúc đẩy có thể vì nể nang, tình cảm, nếu sợ thì cũng là “sợ” nếu không thực hiện sẽ bị ảnh hưởng đến mình hoặc người thân của mình về việc khác.

Trong khi đó, ở tội “Nhận hối lộ”, hành vi khách quan của người phạm tội là lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trực tiếp làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Một điểm đặc biệt trong hành vi khách quan nữa để phân biệt tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và tội “Nhận hối lộ” đó chính là dấu hiệu bắt buộc của tội “Nhận hối lộ” là phải có sự thỏa thuận trước giữa người nhận và người đưa hối lộ về của hối lộ cũng như về việc làm có lợi cho người đưa hối lộ.

Trong khi đó, tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi” không bắt buộc phải có sự thỏa thuận mà dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi là hành vi nhận tiền, hiện vật hoặc lợi ích vật chất khác.

Thứ hai, về mặt chủ thể

Mặc dù về mặt chủ thể, cả tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và tội “Nhận hối lộ” đều có điểm chung là người có chức vụ quyền hạn. Tuy nhiên, 2 tội danh này cũng có những dấu hiệu pháp lý đặc trưng riêng về mặt chủ thể.

Cụ thể, chủ thể phạm tội “Nhận hối lộ” là người có chức vụ, quyền hạn nhưng phải là người có trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ.

Trong khi đó, chủ thể phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” chỉ cần là người có chức vụ, quyền hạn nhất định và chức vụ quyền hạn đó có thể ảnh hưởng hoặc tác động đến người có trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ.

Trách nhiệm hình sự đối với tội phạm

Theo  quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015, tội “Nhận hối lộ” được hiểu là hành vi của người có chức vụ quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Tùy mức độ vi phạm, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm; phạt tù từ 15 năm đến 20 năm nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên….

Theo quy định tại Điều 358 BLHS năm 2015, tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi“ được hiểu là hành vi người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm.

Tùy mức độ vi phạm, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm; phạt tù từ 13 năm đến 20 năm nếu tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Trên đây là bài viết PHÂN BIỆT DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA TỘI “LỢI DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN GÂY ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC ĐỂ TRỤC LỢI” VÀ TỘI “NHẬN HỐI LỘ”. Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!

Đánh giá bài viết này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.