HÀNH VI BỚT KHẨU PHẦN ĂN CỦA HỌC SINH Ở CÁC ĐIỂM TRƯỜNG KHÓ KHĂN CÓ THỂ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Gần đây, tình trạng người quản lý các cơ sở giáo dục, đào tạo ăn bớt, cắt xén khẩu phần ăn của các em học sinh, đặc biệt là ở tại điểm trường vùng cao gây nên sự phẫn nộ lớn trong dư luận. Đời sống của các em học sinh vùng cao vốn dĩ đã nghèo khó, con đường đến trường, đến với con chữ của các em cũng là cả một sự nỗ lực và cố gắng. Để tạo điều kiện cho các em, Đảng và Nhà nước ta đã có những giải pháp trong việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để đảm bảo cho bữa ăn của các em, song, chỉ vì tư lợi cá nhân mà một số người đã nhẫn tâm cắt xén suất ăn của các em học sinh để làm giàu cho chính bản thân mình. Hành vi đó vô cùng đáng lên án và cần phải có những giải pháp nhằm nghiêm trị những kẻ đang “đục khoét”, “nhũng loạn”, “ăn trên mồ hôi, xương máu” của nhân dân. Vậy, hiện nay pháp luật Việt Nam có cơ chế giải quyết ra sao đối với hành vi bớt khẩu phần ăn của học sinh, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết.
1. Điều kiện để học sinh tại các điểm trường khó khăn được hỗ trợ tiền ăn
Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 116/2016/NĐ – CP quy định về chính sách hỗ trợ học sinh trường phổ thông ở xã thôn đặc biệt khó khăn ghi nhận 02 nhóm tuổi được hưởng chính sách hỗ trợ với những điều kiện riêng biệt:
Đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở:
a) Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú;
b) Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Nhà ở xa trường Khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá;
c) Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi. Nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn cụ thể như quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.
Đối với học sinh trung học phổ thông là dân tộc thiểu số:
a) Đang học tại trường trung học phổ thông hoặc cấp trung học phổ thông tại trường phổ thông có nhiều cấp học;
b) Bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Nhà ở xa trường Khoảng cách từ 10km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.
Lưu ý: Đối với học sinh THPT là dân tộc Kinh thì ngoài những điều kiện nói trên thì còn phải là nhân khẩu trong gia đình hộ nghèo.
2. Mức hỗ trợ dành cho học sinh tại các điểm trường khó khăn
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 116/2016, mức hỗ trợ dành cho học sinh tại các điểm trường khó khăn được quy định:
a) Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;
b) Hỗ trợ tiền nhà ở: Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;
c) Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Ngoài ra, các trường phổ thông dân tộc bán trú cũng sẽ được hỗ trợ:
a) Đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, bao gồm: Nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành;
b) Mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm học;
c) Lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm học;
d) Trường hợp trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức; nhưng mỗi trường chỉ được hưởng không quá 05 lần định mức nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm.
3. Xử lý đối với hành vi bớt khẩu phần ăn của học sinh tại các điểm trường khó khăn
Hiện nay, khoản kinh phí được dùng để hỗ trợ cho học sinh tại các điểm trường khó khăn được trích từ nguồn ngân sách nhà nước với bản chất là sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức thông qua khoản tiền thuế, điều này có nghĩa rằng hành vi ăn bớt, cắt xén khẩu phần ăn của học sinh đã xâm phạm đến khoản ngân sách mà Nhà nước dùng để hỗ trợ và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng[357] đến dưới 3.000.000.000 đồng;
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”
Trên đây là bài viết HÀNH VI BỚT KHẨU PHẦN ĂN CỦA HỌC SINH Ở CÁC ĐIỂM TRƯỜNG KHÓ KHĂN CÓ THỂ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO? Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!