Hình sự

TỘI LỢI DỤNG CÁC QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ XÂM PHẠM LỢI ÍCH CỦA NHÀ NƯỚC, QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ GÓC NHÌN TỪ VỤ VIỆC CỦA BÀ NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG.

TỘI LỢI DỤNG CÁC QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ XÂM PHẠM LỢI ÍCH CỦA NHÀ NƯỚC, QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ GÓC NHÌN TỪ VỤ VIỆC CỦA BÀ NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG.

Ngày 19/9/2024 vừa qua, bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đại Nam, sau hơn thụ án  hơn 2 năm đã được ra tù trước thời hạn. Trước đó, theo cáo trạng của VKSND TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Phương Hằng cùng đồng phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Song, kể từ thời điểm bà Hằng bị bắt cho tới ngày hôm nay, vẫn có rất nhiều những luồng dư luận trái chiều liên quan đến hành vi của bà. Bà Hằng đứng giữa lằn ranh của công và tội, đúng và sai, nhiều người bênh vực bà vì cho rằng bà dám nói lên tiếng nói của những người dân vùng lũ bị ăn chặn tiền từ thiện, dám khui ra cái xấu, cái ác trong giới nghệ sĩ,…nhưng cũng có những người cho rằng hành vi của bà đã đi quá giới hạn của một công dân, xâm phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của người khác. Để có thể hiểu rõ hơn về hành vi của bà Hằng cũng như quy định của pháp luật Việt Nam xoay quanh hành vi đó, bài viết dưới đây sẽ cung cấp tới quý độc giả thông tin chi tiết.

1. Tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được hiểu như thế nào?

Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) không đưa ra định nghĩa một cách cụ thể như thế nào được coi là hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ, tuy nhiên khi xem xét cấu thành tội phạm của tội này, có thể rút ra một số nhận định sau đây:

Thứ nhất, về quyền tự do dân chủ, điều 24, 25 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam có ghi nhận công dân có các quyền tự do cơ bản sau:

(i) Quyền tự do ngôn luận: là quyền được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến vào những vấn đề chung của đất nước, của xã hội;

(ii) Quyền tự do báo chí: tự do báo chí hay tự do thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, nó được các quốc gia công nhận một cách phổ biến bằng văn bản luật, thậm chí Hiến pháp;

(iii) Quyền tự do hội họp, lập hội: là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước Việt Nam công nhận, tôn trọng trong Hiến pháp và pháp luật. Hành vi lợi dụng quyền tự do hội họp, lập hội để chống phá Nhà nước, xâm phạm công dân là việc làm trái pháp luật.

Lợi dụng các quyền tự do dân chủ được hiểu là người phạm tội dựa vào những quyền luật định như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do hội họp,…để mưu lợi hoặc phục vụ các mục đích của cá nhân người đó.

2. Cấu thành tội phạm của tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”

Về khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và bị người phạm tội xâm hại. Khách thể của tội phạm này là lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Các lợi ích này có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất. Tội phạm trên thực tế đã thực hiện các hành vi, thủ đoạn xâm phạm đến các lợi ích, quyền này một cách cụ thể gây thiệt hại cho nạn nhân. Thiệt hại ở đây có thể là vật chất hoặc phi vật chất như thiệt hại về tài sản, thiệt hại về uy tín, danh dự…của nạn nhân.

Về chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của các tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể là bất kì ai. Họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Người phạm tội có thể thực hiện tội phạm một mình hoặc có đồng phạm. Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Về mặt khách quan của tội phạm:

Người thực hiện hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân có thể thực hiện một trong các hành vi như: lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. 

Về mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thực hiện hành vi có lỗi cố ý. Lỗi cố ý trong tội phạm này tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Người phạm tội có thể vì động cơ, mục đích cũng khác nhau tùy thuộc vào hành vi lợi dụng quyền cụ thể và ý thức của người phạm tội xâm phạm đến lợi ích nào. Việc xác định động cơ, mục đích đối với tội phạm này là rất quan trọng vì nó là dấu hiệu để phân biệt với các hành vi tương tự nhưng nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân quy định tại Chương XIII- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Về hình phạt: Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 quy định 

“1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”

3. Liên hệ thực tiễn vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng

Bà Nguyễn Phương Hằng tên khai sinh là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, sinh năm 1971. Bà từng là Tổng giám đốc và Phó chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đại Nam. Bà Hằng nổi lên như một hiện tượng vào năm 2021 với hàng loạt những video clip, livestream đấu tố một số nghệ sĩ, người nổi tiếng và các nhà báo.

Về hành vi: Bà Nguyễn Phương Hằng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” với vai trò người chủ mưu, người cầm đầu. Theo cáo trạng của VKSND TP Hồ Chí Minh, từ tháng 3-2021 bà Nguyễn Phương Hằng thông qua các tài khoản mạng xã hội, phát sóng trực tiếp (livestream) để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của 10 cá nhân gồm: Ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM) và bà Trương Thị Việt Hà.

Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã  vào cuộc điều tra và kết luận: Các nghệ sĩ mà Nguyễn Phương Hằng “gọi tên” không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện, nên  không khởi tố vụ án hình sự.

Đánh giá: 

Pháp luật Việt Nam không cấm bà Nguyễn Phương Hằng livestream, không cấm bà ta nổi tiếng, không cấm bà ta thu hút, thuyết phục dư luận. Bà Hằng có quyền nói lên suy nghĩ của mình, có quyền chia sẻ với mọi người những điều mình biết. Nhưng quyền tự do ngôn luận của Nguyễn Phương Hằng phải trong khuôn khổ pháp luật, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, trong đó có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư, quyền được kết tội theo đúng pháp luật… Đó chính là giới hạn của quyền tự do dân chủ của công dân. Giới hạn đó đảm bảo cho mọi công dân được tôn trọng, được bình yên, được sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; đảm bảo một xã hội trật tự, kỷ cương, bền vững và ổn định.

Việc khởi tố và bắt để tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng cho thấy hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân của Nguyễn Phương Hằng đã có dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi đó không dừng lại ở sự thiếu văn hóa hay lệch chuẩn, mà đã vượt qua lằn ranh đỏ giữa quan hệ pháp luật dân sự và quan hệ pháp luật hình sự, gây hậu quả tới mức trở thành hành vi nguy hiểm cho xã hội, phải chịu chế tài hình sự. 

Trên đây là bài viết TỘI LỢI DỤNG CÁC QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ XÂM PHẠM LỢI ÍCH CỦA NHÀ NƯỚC, QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ GÓC NHÌN TỪ VỤ VIỆC CỦA BÀ NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG. Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!

Đánh giá bài viết này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.