Dịch vụ khác, Hình sự

TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO? CÓ ĐƯỢC MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ HAY KHÔNG?

TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO? CÓ ĐƯỢC MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ HAY KHÔNG?

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp người có ý định thực hiện hành vi phạm tội sau khi đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết về phương tiện, công cụ để thực hiện tội phạm  lại  không tiếp tục thực hiện hành vi đó. Các số liệu thống kê đã chỉ ra lý do họ đột ngột dừng lại không tiếp tục thực hiện hành vi có thể đến từ cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, chẳng hạn như do lo sợ bị phát hiện, do trông thấy lực lượng chức năng hay cũng có thể do lương tâm người có ý định thực hiện hành vi cảm thấy cắn rứt và không muốn tiếp tục,…Vậy nguyên nhân nào thì được coi là hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và có phải trong mọi trường hợp hành vi này đều được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết.

1. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được hiểu như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.

2. Các điều kiện để một hành vi được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Người được thừa nhận là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải thỏa mãn đồng thời 02 điều kiện sau:

Thứ nhất, tội phạm được thực hiện đang ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc giai đoạn phạm tội chưa đạt (trường hợp chưa đạt chưa hoàn thành). Giai đoạn chuẩn bị phạm tội được hiểu là đang chuẩn bị thì dừng lại không chuẩn bị tiếp hoặc chuẩn bị xong thì dừng lại không thực hiện. Giai đoạn phạm tội chưa đạt (trường hợp chưa đạt chưa hoàn thành) được hiểu là hành vi phạm tội thực tế đang diễn ra và người phạm tội còn điều kiện, khả năng tiếp tục thực hiện tội phạm đến cùng nhưng người phạm tội đã tự nguyện dừng hành vi phạm tội. Điểm chung của hai giai đoạn này là chưa có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, chưa xâm phạm tới khách thể được Luật Hình sự bảo vệ, do đó đây được xem là cơ sở để hành vi có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Đối với giai đoạn phạm tội chưa đạt (trường hợp chưa đạt đã hoàn thành) hoặc giai đoạn tội phạm hoàn thành, đây là hai giai đoạn mà người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những hành vi khách quan của tội phạm, thể hiện đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện. Do đó, việc dừng lại không tiếp tục thực hiện tội phạm tại thời điểm này không làm thay đổi tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như hậu quả tác hại của tội phạm, nên người thực hiện hành vi phạm tội ở hai giai đoạn này không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Thứ hai, việc chấm dứt thực hiện tội phạm phải được thực hiện tự nguyện và dứt khoát.

Sự tự nguyện trong tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được hiểu là người phạm tội tự mình từ bỏ ý định phạm tội và chấm dứt việc thực hiện hành vi phạm tội mặc dù không có gì ngăn cản. Còn nếu người phạm tội không tiếp tục thực hiện tội phạm do các nguyên nhân khách quan gây lên như: Do đối tượng tác động của tội phạm được bảo vệ cẩn thận, đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện, bị bại lộ… thì việc dừng lại đó không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Sự dứt khoát trong tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thể hiện ý chí của người có hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, từ trong ý thức của họ là phải từ bỏ hẳn ý định phạm tội một cách triệt để mặc dù hành vi phạm tội chưa bị phát hiện và người phạm còn điều kiện, thời cơ tiếp tục thực hiện tội phạm đến cùng. Dứt khoát tức là không phải dừng lại tạm thời, chốc lát, chờ cơ hội khác thuận lợi hơn để tiếp tục phạm tội.

3. Vấn đề miễn trách nhiệm hình sự đối với trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Căn cứ theo quy định tại Điều 16 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Tức nghĩa về bản chất pháp luật hình sự của Nhà nước ta mang tính nhân đạo XHCN, tức là khoan hồng đối với những người đã trót bước vào con đường phạm tội nhưng họ đã kịp thời thức tỉnh, nhận ra tội lỗi của mình, kịp thời dừng hành vi phạm tội, không tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Và điều này cũng phù hợp với quan điểm phòng ngừa tội phạm trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta thể hiện trong các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Ví dụ đối với hành vi làm giả con dấu của cơ quan tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù người thực hiện hành vi đã dừng việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có thể được miễn trách nhiệm hình sự về tội này, tuy nhiên người đó vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 BLHS 2015. 

Do đó, để có thể được miễn trách nhiệm hình sự do tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, người thực hiện hành vi phải đáp ứng đủ 02 điều kiện đã phân tích ở trên và hành vi của họ không thuộc những trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác.

4. Xác định việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong vụ án có đồng phạm

Đối với người thực hành: 

Trong trường hợp một người thực hành, việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được xác định giống như trường hợp phạm tội riêng lẻ. Nghĩa là khi họ có đủ những điều kiện được quy định trong Điều 16 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đối với trường hợp nhiều người thực hành: Nếu những người thực hành đã thực hiện những hành vi trong đồng phạm và những hành vi đó đã tạo điều kiện cho những người đồng phạm khác thì ngoài những điều kiện quy định tại Điều 16 Bộ luật hình sự năm 2015 ra, thì họ phải tích cực ngăn chặn; và hành vi đó có tác động làm cho tội phạm không xảy ra thì mới được công nhận là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Còn nếu tội phạm vẫn tiếp tục xảy ra thì không được công nhận.

Đối với những người đồng phạm khác như người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức:

Đáp ứng các điều kiện chung của việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được quy định tại Điều 16.

Hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của những người này phải được thực hiện trước khi người thực hành thực hiện tội phạm.

Những người đồng phạm trên phải có hành vi cản trở người thực hành thực hiện phạm tội như không tạo nên điều kiện thuận lợi cho người thực hành thực hiện tội phạm.

Trên đây là bài viết TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO? CÓ ĐƯỢC MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ HAY KHÔNG? Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!

Đánh giá bài viết này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.