Hôn nhân và Gia đình, Luật sư và tư vấn viên, Tin tức Nguyên Phát, Tin tức pháp luật

TRANH CHẤP LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI 

TRANH CHẤP LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI 

1/ TRANH CHẤP LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI LÀ GÌ?

Tranh chấp ly hôn có yếu tố nước ngoài được hiểu là việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài khi xảy ra tranh chấp. Tranh chấp ở đây có thể là về tài sản chung, tức tài sản của cả vợ và chồng được hình thành trong quá trình hôn nhân mà cả hai không tự thỏa thuận hoặc không thể cùng nhau giải quyết được việc phân chia tài sản khi tiến hành ly hôn, hoặc tranh chấp về trách nhiệm quyền nuôi dưỡng con. 

Hiện nay Luật Hôn nhân và gia đình 2014 chưa quy định rõ các đối tượng trong tranh chấp ly hôn có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, dựa vào thực tiễn, ta có thể thấy các đối tượng phổ biến trong tranh chấp ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau: 

– Một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn trong trường hợp ly hôn đơn phương

– Tranh chấp tài sản khi ly hôn

– Tranh chấp quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn

– Tranh chấp tài sản sau ly hôn

– Yêu cầu thay đổi quyền nuôi con

2/ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI 

–  Thẩm quyền theo Quốc gia:

Theo Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam 

–  Thẩm quyền theo cấp Tòa án:

+ Theo khoản 3 Điều 35 và Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

+ Trong trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nếu vụ việc ly hôn diễn ra giữa công dân nước tại Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng có cùng cư trú ở khu vực biên giới với nước Việt Nam thì thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện.

– Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau: 

Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. 

3/ CHỦ THỂ CÓ QUYỀN YÊU CẦU GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI 

Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định chủ thể có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn là: 

– Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

– Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

4/ HỒ SƠ, THỦ TỤC YÊU CẦU GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI 

Căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì hồ sơ, thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau: 

Bước 1: Người xin ly hôn viết đơn xin ly hôn và gửi bộ hồ sơ xin ly hôn tới Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Hồ sơ xin ly hôn có yếu tố nước ngoài bao gồm các tài liệu:

– Đơn xin ly hôn.

– Bản sao Giấy CMND hoặc giấy chứng thực cá nhân (Hộ chiếu, Thẻ căn cước công dân); Hộ khẩu (có sao y bản chính);

– Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trình bày rõ trong đơn kiện;

– Bản sao giấy khai sinh con (nếu có con);

– Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp);

Nếu hai bên kết hôn tại Việt Nam, sau đó vợ hoặc chồng xuất cảnh sang nước ngoài (không tìm được địa chỉ) thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về việc một bên đã xuất cảnh;

Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức hóa lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn. Trong trường hợp các bên không tiến hành ghi chú nhưng vẫn muốn ly hôn thì trong đơn xin ly hôn phải trình bày rõ lý do không ghi chú kết hôn.

Bước 2: Tòa án thụ lý đơn, xem xét đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật thì ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí gửi người nộp đơn. Người nộp đơn nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai tiền tạm ứng án phí lại cho Tòa án. Tòa án thụ lý vụ án xin ly hôn và ra thông báo thụ lý vụ án gửi viện kiểm sát cùng cấp và bị đơn (người có liên quan).

Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án.

Bước 4: Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục pháp luật quy định.

Trên đây là bài viết TRANH CHẤP LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI. Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!

5/5 - (10 votes)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.