AI LÀ NGƯỜI ĐƯỢC HƯỞNG QUYỀN NUÔI CON SAU KHI LY HÔN?
Trên thực tế, có rất nhiều vụ việc ly hôn xảy ra tranh chấp giữa vợ và chồng xem ai là người có quyền nuôi dưỡng đối với con chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Tòa Án xác định tư cách của người được hưởng quyền nuôi con sau khi ly hôn. Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây:
1/ Cách thức xác định người hưởng quyền nuôi con sau khi ly hôn
Căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật HNGĐ 2014, việc ly hôn không làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái. Cha, mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Việc xác định người được hưởng quyền nuôi con sau khi ly hôn trước hết sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa vợ và chồng. Vợ và chồng sẽ thỏa thuận với nhau về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.
Trường hợp không thể thỏa thuận được, Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Những quyền lợi cơ bản mà Tòa án thường căn cứ bao gồm:
(i) Quyền lợi về mặt vật chất: Chẳng hạn như ăn, mặc, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập,…
(ii) Quyền lợi về mặt tinh thần: Chẳng hạn như việc đảm bảo thời gian quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ con, trách nhiệm đối với con, điều kiện để con được vui chơi, giải trí theo đúng lứa tuổi, trình độ học vấn, tính cách, thái độ dành cho con của cha mẹ,…
Tòa sẽ dựa trên những yếu tố đó để xác định ai là người có thể đảm bảo cho đứa trẻ được thụ hưởng những quyền lợi và những điều kiện sống tốt hơn, từ đó quyết định người sẽ được hưởng quyền nuôi con trực tiếp.
Lưu ý: Đối với con từ 07 tuổi trở lên thì trước khi Tòa án ra quyết định cần phải xem xét tới nguyện vọng của con. Nguyện vọng của đứa trẻ sẽ là thước đo khách quan nhất để đánh giá mức độ phù hợp của cha hay mẹ khi trực tiếp nuôi đứa trẻ.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 81 Luật HNGĐ còn ghi nhận: Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Quy định này là cần thiết để đảm bảo sự phát triển tốt nhất của đứa trẻ.
2/ Quy định về quyền và nghĩa vụ của cha/mẹ không trực tiếp nuôi con
Căn cứ theo quy định tại Điều 82 Luật HNGĐ, sau khi ly hôn, cha/mẹ không trực tiếp nuôi con có các quyền và nghĩa vụ dưới đây:
“Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Người trực tiếp nuôi con cùng các thành viên trong gia đình không được phép cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
=> Như vậy, cha mẹ không trực tiếp nuôi con hoàn toàn có quyền tới thăm con nếu mục đích của việc thăm xuất phát từ tình cảm. Quyền thăm nom của cha mẹ không trực tiếp nuôi con chỉ bị hạn chế trong trường hợp lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3/ Các trường hợp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Căn cứ theo quy định tại Điều 84 Luật HNGĐ 2014, các chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con ngoài cha, mẹ còn bao gồm:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ dưới đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của BLDS.
Trên đây là bài viết AI LÀ NGƯỜI ĐƯỢC HƯỞNG QUYỀN NUÔI CON SAU KHI LY HÔN? Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!