KHÔNG CẦN KHỞI KIỆN VẪN GIẢI QUYẾT ĐƯỢC TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI?
1/ THẾ NÀO LÀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật Đất đai 2013 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, tranh chấp đất đai là tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất như tranh chấp về ranh giới do hành vi lấn, chiếm,… Những tranh chấp về chuyển nhượng, tặng cho, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất không phải là tranh chấp đất đai.
Ý nghĩa của việc xác định tranh chấp nào là tranh chấp đất đai: Tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất nếu muốn khởi kiện. Nói cách khác, tranh chấp đất đai không được khởi kiện luôn tại Tòa án mà phải hòa giải tại UBND cấp xã, nếu không sẽ bị trả lại đơn khởi kiện.
2/ HOÀ GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
Khi xảy ra tranh chấp đất đai (tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất) thì các bên thực hiện việc hòa giải theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013, cụ thể:
– Hòa giải không bắt buộc gồm: Các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai giữa các bên thông qua hòa giải ở cơ sở.
Hòa giải cơ cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau tại thôn, làng, bản, ấp, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khối phố, khu phố và cộng đồng dân cư khác.
– Hòa giải bắt buộc: Là việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất; hòa giải tại UBND cấp xã là bắt buộc, nếu không hòa giải sẽ không đủ điều kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc không đủ điều kiện gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền.
Kết quả hòa giải tại UBND cấp xã gồm: Hòa giải thành hoặc hòa giải không thành (mặc dù hòa giải thành nhưng các bên không bắt buộc phải thực hiện – nghĩa là tại thời điểm lập biên bản hòa giải thành thì kết thúc tranh chấp nhưng sau đó có thể đổi ý).
3/ ĐỀ NGHỊ UBND CẤP CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT
Khi xảy ra tranh chấp đất đai các bên thường lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp là khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Tuy nhiên, nhiều người dân không biết và không sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp khác là đề nghị UBND cấp có thẩm quyền giải quyết; so với giải quyết tranh chấp bằng con đường khởi kiện thì hình thức này có những ưu điểm nhất định.
* Trường hợp áp dụng
Khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định khi tranh chấp đất đai xảy ra mà đương sự không có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định như sau:
– Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền (UBND cấp huyện, cấp tỉnh) theo quy định.
– Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự.
Như vậy, riêng trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì không được lựa chọn một trong hai hình thức trên, thay vào đó là chỉ được khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
* Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Căn cứ khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013, trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định như sau:
– Tranh chấp đất đai giữa cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương); khi có quyết định giải quyết nếu không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (đối tượng khởi kiện là quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp huyện).
– Tranh chấp đất đai mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết (ví dụ tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân với người Việt Nam định cư ở nước ngoài); khi có quyết định giải quyết nếu không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp đó thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính tại Tòa án nhân dân (khởi kiện hành chính).
* Một số ưu điểm khi giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền
– Quyết định giải quyết vẫn được bảo đảm thực hiện: Theo khoản 4 Điều 203 Luật Đất đai 213, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
– Thời gian giải quyết nhanh hơn: Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định thời gian giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện là không quá 45 ngày làm việc; thời gian giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh là không quá 60 ngày làm việc.
So với thời gian giải quyết vụ án tranh chấp đất đai tại Tòa án thì thời gian giải quyết do Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp t nhanh hơn nhiều (thời gian giải quyết vụ án dao động từ 6-8 tháng, nhiều vụ kéo dài vài năm).
– Không phải nộp tạm ứng án phí, án phí: Khi nộp đơn khởi kiện thì người nộp đơn phải nộp tạm ứng án phí thì Tòa án mới thụ lý, trừ trường hợp được miễn, khi thua kiện phải nộp án phí; riêng trường hợp giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền thì không phải nộp những khoản tiền này.
Mặc dù có một số ưu điểm như trên nhưng hình thức giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền cũng có những hạn chế nhất định như không có hoạt động tranh tụng của luật sư hoặc những người am hiểu pháp luật để có thể tăng khả năng thắng kiện, giải quyết tranh chấp tại UBND không mang tính “chuyên nghiệp” như Tòa án,…
Kết luận: Các bên tranh chấp có thể không cần khởi kiện vẫn giải quyết được tranh chấp đất đai vì có quyền lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp khác là nộp đơn yêu cầu giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định.
Trên đây là KHÔNG CẦN KHỞI KIỆN VẪN GIẢI QUYẾT ĐƯỢC TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI?. Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!