Đất đai

ĐẤT HƯƠNG HỎA LÀ GÌ? QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT HƯƠNG HỎA 

ĐẤT HƯƠNG HỎA LÀ GÌ? QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT HƯƠNG HỎA 

1/ KHÁI NIỆM VỀ ĐẤT HƯƠNG HỎA

Đất hương hỏa hay là đất sử dụng vào mục đích thờ cúng. Pháp luật hiện hành không có khái niệm cụ thể về cụm từ “đất hương hỏa”. Nhưng về cơ bản, có thể hiểu:

“Đất hương hỏa là Đất do dòng họ, tổ tiên, ông bà, cha mẹ để lại cho con cháu cùng canh tác, hưởng dụng, các hoa lợi có được hưởng dùng vào việc thờ cúng , giỗ chạp để ghi nhớ công đức của người quá cố”

Loại đất này vốn là đất ở hoặc đất nông nghiệp/đất phi nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng và được cơ quan chức năng địa phương công nhân sử dụng vào mục đích hương hỏa.

2/ ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH ĐẤT HƯƠNG HỎA

Đất của hộ gia đình, cá nhân để trở thành đất hương hỏa thì phải có sự định đoạt một cách hợp pháp của chủ sử dụng đất bằng hình thức lập Chứng thư hương hỏa, di chúc… với nội dung là: Để lại nhà đất đó làm nơi cúng giỗ tổ tiên, lưu truyền đời này qua đời khác, không con cháu nào được phép bán, chuyển nhượng…

Theo Chương XXII của Bộ luật dân sự 2015 quy định về thừa kế theo di chúc: pháp luật chỉ công nhận ý chí của người để lại di sản quyền sử dụng đất trong trường hợp người đó để lại di chúc và nêu rõ việc để lại một phần di sản quyền sử dụng đất của mình làm đất hương hỏa.

3/ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT HƯƠNG HỎA

Do không có quy định rõ ràng về loại đất này nên chúng ta sẽ phân tích các quy định của pháp luật có liên quan về đất hương hỏa.

– Theo quy định của Điều 645 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng thì đây là quyền của người lập di chúc có thể để lại một phần di sản của mình mà sau khi qua đời thì phần di sản đó sẽ được dùng vào việc thờ cúng. Pháp luật cũng quy định phần di sản dùng vào việc thờ cúng đó sẽ không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Tại điều này cũng quy định trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

Nhưng cũng phải lưu ý nếu trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Tức là trong trường hợp này những nhà làm luật đã dự liệu trước để ngăn chặn vào bảo vệ những người có quyền được nhận nghĩa vụ thanh toán của người chết bảo đảm tối đa quyền lợi của các cá nhân trong giao dịch dân sự.

– Theo quy định thì người quản lý đất hương hỏa (dùng vào việc thờ cúng) chỉ là người đứng ra quản lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục đích của di sản là dùng vào việc thờ cúng. Đất hương hỏa nếu dùng vào việc thờ cúng thì theo quy định của pháp luật thì sẽ không được phép chuyển nhượng và chỉ có thể chuyển quyền dưới dạng di chúc trong đó di chúc phải chỉ rõ là đất được sử dụng vào việc thờ cúng.

– Theo quy định của Điều 211 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định sở hữu chung cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng. Hơn nữa theo quy định của khoản 5 Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì quy định cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ, … và đất đó không có tranh chấp được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Như vậy thì Luật Đất đai cũng đã thừa nhận nếu đất hương hỏa là đất do cộng đồng dân cư đang sử dụng có các công trình dùng để thờ tự, thờ cúng như trên được cấp có thẩm quyền xác nhận thì sẽ đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

– Giải quyết tranh chấp hương hỏa, căn cứ theo quy định của Điều 202 của Luật Đất đai năm 2013 về hòa giải tranh chấp đất đai thì:

+ Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

+ Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.

+ Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

+ Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

– Cũng cần phải lưu ý nếu đất hương hỏa có các Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất thì sau khi hòa giải tranh chấp tại UBND cấp xã mà không thành thì có thể gửi đơn cho Tòa án nhân dân để giải quyết. Còn nếu không có Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất thì chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh đất đất đai là nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Trên đây là bài viết của LUẬT NGUYÊN PHÁT về vấn đề ĐẤT HƯƠNG HỎA LÀ GÌ? QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT HƯƠNG HỎA  Nếu quý khách hàng còn vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, cần hỗ trợ tư vấn và giải quyết hãy liên hệ ngay với LUẬT NGUYÊN PHÁT qua HOTLINE 1900 633 390 để được tư vấn miễn phí và chi tiết nhất!

Đánh giá bài viết này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.