Hôn nhân và Gia đình, Dịch vụ khác, Luật sư và tư vấn viên

Nếu bị chồng bạo hành, vợ có ‘ưu thế’ gì khi ly hôn?

Nếu bị chồng bạo hành, vợ có ‘ưu thế’ gì khi ly hôn?

Trong trường hợp một bên yêu cầu ly hôn thì phải xuất trình các tài liệu chứng cứ để chứng minh tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì tòa án sẽ giải quyết cho đơn phương ly hôn.

Một trong những căn cứ để cho thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng là xảy ra bạo lực gia đình kéo dài, đã được khuyên can, hòa giải của gia đình, bạn bè hoặc cơ quan, đoàn thể hoặc chính quyền địa phương nhưng hành vi bạo lực vẫn diễn ra.

Trường hợp vợ chồng đã sống ly thân, không quan tâm chăm sóc lẫn nhau, kinh tế riêng biệt, ốm đau bỏ mặc, mặc dù đã được hòa giải, khuyên can nhưng sự việc vẫn diễn ra thì cũng được xác định là tình trạng hôn nhân trầm trọng, là căn cứ để tòa án giải quyết cho đơn phương ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình quy định: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì toà giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Trong những vụ việc bạo hành nghiêm trọng, kéo dài, khi nạn nhân có đơn đề nghị xem xét giải quyết ly hôn, tòa án sẽ thụ lý và giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật.

Khi giải quyết ly hôn thì tòa án sẽ giải quyết vấn đề về quyền nuôi con và có thể giải quyết yêu cầu chia tài sản chung khi các bên không thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung vợ chồng và đương sự có yêu cầu.

Đối với vấn đề chia tài sản chung vợ chồng, pháp luật quy định tài sản chung vợ chồng sẽ chia đôi, nhưng trên cơ sở nguyên tắc có tính đến nguồn gốc, công sức đóng góp, hoàn cảnh của mỗi bên và đặc biệt là có tính đến yếu tố lỗi khiến hôn nhân tan vỡ.

Theo quy định của pháp luật, người nào có lỗi, vi phạm nghĩa vụ vợ chồng thì sẽ phải chịu thiệt khi chia tài sản chung vợ chồng.

Bởi vậy, nếu người phụ nữ bị bạo hành có đơn yêu cầu ly hôn mà vấn đề tài sản chung không thỏa thuận được thì cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết chia tài sản chung vợ chồng và đề nghị xác định lỗi của người chồng khiến cho việc ly hôn xảy ra để có lợi thế hơn khi yêu cầu tòa án phân chia tài sản.

Trường hợp người vợ bị bạo hành kéo dài, việc đề nghị ly hôn có thể được giải quyết đồng thời với việc tố giác hành vi bạo hành của người chồng hoặc sau khi vụ việc có dấu hiệu hình sự được giải quyết.

Đánh giá bài viết này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.