Làm giấy khai sinh cho con ngoài giá thú để tên cha mẹ như thế nào?
Hiện nay không ít trường hợp con sinh ra nhưng cha mẹ lại không có quan hệ hôn nhân chính thống. Điều này gây ra rất nhiều thiệt thòi cho trẻ, dù vậy pháp luật vẫn đảm bảo quyền lợi cho trẻ ngoài giá thú. Vậy trong trường hợp làm giấy khai sinh cho con ngoài giá thú thì để tên cha mẹ ra sao?
1. Con ngoài giá thú là gì?
Pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm con ngoài giá thú nhưng có thể hiểu con ngoài giá thú là việc con sinh ra nhưng cha mẹ không có đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật.
Hậu quả của việc không đăng ký kết hôn của nam nữ nhưng có con được quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng; quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên.
2. Thủ tục đăng ký nhận cha mẹ cho ngoài giá thú ra sao?
Căn cứ Điều 24 Luật Hộ tịch 2014 quy định thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con được thực hiện tại UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Theo đó, để làm đăng ký nhận cha mẹ cho con ngoài giá thú thực hiện theo thủ tục sau:
– Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
3. Cần gì để chứng minh quan hệ cha mẹ khi nhận con ngoài giá thú?
Để chứng minh quan hệ nhân thân đối với con ngoài giá thú thì theo Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP có quy định cha, mẹ cần cung cấp các loại giấy tờ, tài liệu sau đây để làm chứng cứ:
– Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
– Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định nêu trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
4. Thực đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú như thế nào?
Cha mẹ khi thực hiện đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú cần căn cứ Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ như sau:
– UBND cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
– Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
– Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 thì UBND kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
– Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.
– Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.
Như vậy, trường hợp cha hoặc mẹ có con ngoài giá thú mà làm giấy khai sinh cho con thì bắt buộc làm thủ tục nhận con đồng thời với việc đăng ký khai sinh cho con thì mới được để tên cha hoặc mẹ trong giấy khai sinh.
MỌI THẮC MẮC XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ 1900 633 390 ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ