Cha mẹ có những quyền cơ bản đối với con như: quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con; quyền giáo dục con; quyền đại diện cho con; quyền có tài sản riêng của con; quyền quản lý tài sản riêng của con; quyền định đoạt tài sản của con chưa thành niên, con mất năng lực hành vi dân sự,… Mặc dù các quyền này của cha mẹ là quyền đương nhiên nhưng trên thực tế, có một số trường hợp, để bảo vệ con, cha mẹ bị hạn chế một số quyền đối với con chưa thành niên.
I. Cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ gì đối với con?
Theo quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con được hướng dẫn như sau:
– Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
– Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự
– Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
II. Những trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên
Những trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên được quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cụ thể như sau:
– Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
– Phá tán tài sản của con;
– Có lối sống đồi trụy;
– Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định pháp luật ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Đồng thời, Tòa án có thể xem xét về việc rút gọn thời hạn này.
III. Ai có thẩm quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên?
Theo quy định tại Điều 86 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì người có thẩm quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên sẽ thuộc vào một trong các đối tượng sau đây:
– Cha, mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
– Cá nhân, cơ quan, tổ chức dưới đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên bao gồm:
+ Người thân thích
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.
+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình
+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em
Cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình được quy định tại Điều 3 Nghị định 02/2013/NĐ-CP quy định về công tác gia đình như sau:
– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình trong phạm vi toàn quốc.
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình.
– Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Trẻ em 2016 thì Ủy ban nhân dân các cấp sẽ thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em theo thẩm quyền.
Các khoản 11, khoản 12 Điều 8 của Nghị định 24/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8, Điều 1, Nghị định 107/2020/NĐ-CP và các khoản 5, khoản 6 Điều 7 Nghị định 37/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5, khoản 6, Điều 1, Nghị định 108/2020/NĐ-CP thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Phòng Lao động – Thương binh và xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, trẻ em là Ủy ban nhân dân các cấp, cụ thể là Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có các cơ quan khác tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân như: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Lao động – Thương binh và xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin
+ Hội liên hiệp phụ nữ
– Cá nhân, cơ quan tổ chức khác khi phát hiện cha, mẹ có hành vi vi phạm đối với con chưa thành niên thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức như cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
Cơ sở pháp lý
– Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
Trên đây các quy định của pháp luật về các trường hợp hạn chế quyền của cha, mẹ, con. Nếu có thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 0975290453 hoặc 0364310003 để được các chuyên gia pháp lý của Luật NP hỗ trợ giải đáp.