Khái niệm tội phạm trong Bộ luật Hình sự Việt Nam
Bộ luật Hình sự được Quốc hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2017 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, Bộ luật quy định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội.
I/ Khái niệm tội phạm, định nghĩa tội phạm, tội phạm là gì?
Được quy định tại Điều 8 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
“1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.”
1- Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm: Theo luật hình sự Việt Nam, tội phạm chỉ có thể là hành vi nguy hiểm cho xã hội của con người. Những tư tưởng suy nghĩ của con người nếu chưa thể hiện qua bên ngoài bằng hành vi (hành động hoặc không hành động) thì không thể bị coi là tội phạm. Tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản có ý nghĩa quyết định đối với các dấu hiệu khác của tội phạm vì chỉ khi một hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội thì mới bị quy định là tội phạm.
Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được thể hiện ở chỗ nó gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội.
– Tính có lỗi của tội phạm: Lỗi là thái độ tâm lý và hành vi của con người (thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý) đã thực hiện và hậu quả đã xẩy ra.
– Tính trái pháp luật: Một hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ bị coi là tội phạm nếu “được quy định trong Bộ Luật Hình sự”. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế: “Không ai bị kết tột vì những hành động hay những sơ suất mà khi bị buộc tội đó không phải là một hành vi phạm tội theo luật quốc gia hay luật quốc tế” (Khoản 2 Điều 11 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc”.
– Tính phải chịu hình phạt: Thể hiện ở chỗ chỉ có hành vi phạm tội mới phải chịu hình phạt. Điều đó có nghĩa là bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều bị đe dọa có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế nhà nước. Việc áp dụng hình phạt không phải là bắt buộc trong mọi trường hợp. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn chấp hành hình phạt trong các trường hợp được Bộ Luật Hình sự quy định.
2- Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Có thể xử lý bằng các chế tài dân sự, hành chính.
Ví dụ: Hành vi đánh bạc bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội đánh bạc. Còn dưới 5.000.000 đồng thì chỉ bị xử phạt hành chính. (Điều 321 – Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017).
So với Điều 8 Bộ Luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 và Điều 8, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có những điểm mới như:
– Bổ sung pháp nhân thương mại phạm tội là chủ thể của tội phạm;
– Khách thể tội phạm mà Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 được bộ luật này bảo vệ quy định rộng hơn, khái quát hơn, bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, bổ sung “quyền con người” trước “quyền, lợi ích hơp pháp của công dân” nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân;
– Khái niệm tội phạm được bổ sung cụm từ “mà theo quy định của Bộ Luật này phải bị xử lý hình sự” nhằm thể hiện rõ hơn mối quan hệ tội phạm và trách nhiệm hình sự: tội phạm phải bị xử lý theo quy định của Bộ luật này và ngược lại, trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội.
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
II. Phân loại tội phạm
Điều 9, Bộ Luật hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017
“1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;
4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Việc phân loại tội phạm là căn cứ không chỉ là căn cứ phân hóa trách nhiệm hình sự đối với từng trường hợp phạm tội cụ thể mà còn để xây dựng các khung hình phạt đối với từng tội phạm cụ thể trong Bộ luật này phù hợp với chính sách hình sự của nhà nước. Đây cũng là cơ sở pháp lý để các cơ quan tố tụng nhận thức đúng và áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật này trong thực tiễn xét xử.
So với Điều 8 Bộ Luật Hình sự năm 1999, Điều 9 Bộ Luật Hình sự năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung sau:
– Việc phân loại tội phạm được sửa đổi theo hướng quy định đầy đủ, cụ thể và rõ ràng hơn bằng cách thay thế cụm từ “gây nguy hại bằng các cụm từ ” có tính chất và mức độ nguy hiểm” cho phù hợp với căn cứ phân loại tội phạm; bổ sung cụm từ “do Bộ luật này quy định” sau cụm từ “mức cao nhất của khung hình phạt” nhằm khắc phục sự hiểu nhầm về bản chất của phân loại tội phạm; thay các cụm từ “đến 03 năm tù”, “đến 07 năm tù”, “đến 15 năm tù” và ” đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình” bằng các cụm từ tương ứng: “phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm”, “từ trên 03 năm đến 07 năm tù”, “từ trên 07 năm đến 15 năm tù” và “từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình” nhằm bảo đảm sự đầy đủ, rõ ràng, chính xác hơn trong phân loại tội phạm.
– Bổ sung khoản 2 quy định về phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện.
Trên đây là một số nội dung Khái niệm tội phạm trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, được sửa đổi bổ sung 2017.
Công ty TNHH Luật Nguyên Phát – Đồng hành pháp lý cùng bạn !
__________________________________________________
Địa chỉ: Phố Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Gmail: luatnguyenphat107@gmail.com
Liên hệ với chúng tôi:
– Tư vấn pháp lý: 0364310003
– Zalo: 0364310003